Học Hà Lan kinh nghiệm trị thủy

Sau khi trận lũ kinh hoàng từ Biển Bắc tràn vào bờ năm 1953 khiến hơn 1.800 người bỏ mạng, Hà Lan lấy đó làm bài học đau thương để luôn ghi nhớ rằng vấn đề phòng chống lũ lụt luôn phải đặt lên hàng đầu.

Với trên 50% diện tích đất liền nằm ngang bằng hoặc dưới mực nước biển, cuộc “chiến đấu” với đại dương tại Hà Lan đã bắt đầu từ hàng trăm năm nay. Chính phủ Hà Lan đã xây dựng nên một hệ thống đê bao, bờ kè chắn sóng chạy dọc theo bờ biển và các cửa sông ở vùng đồng bằng Rhine-Meuse-Scheldt để ngăn chặn nước biển xâm lấn vào đất liền.

Điều đáng nói là trong cuộc cách mạng chống lại sức mạnh của tự nhiên của mình, Amsterdam đã thành công xuất sắc, bảo vệ được con người và tài sản, cũng như đất canh tác và nguồn nước dự trữ không bị nhiễm mặn. Bí quyết để dẫn đến thành công này chính là hệ thống hàng rào đê biển Delta khổng lồ. Tại các cửa sông chính của Hà Lan đều có đập chặn và bờ biển được thu ngắn lại còn khoảng 500 km. Thêm vào đó, các bờ kè cũ đều được xây cao hơn để đảm bảo rằng chỉ có những cơn bão mạnh ngàn năm có một mới có thể hạ được chúng.

Hàng rào chắn nước Maeslantkering.

Ngoài tính hiệu quả, hệ thống Delta hay còn gọi là Công trình bảo vệ Biển Bắc đã được Hội kỹ sư dân sự Mỹ bình chọn là một trong “bảy kỳ quan của thế giới hiện đại” với quy mô vô cùng hoành tráng. Mất tới gần 7 tỷ USD và thời gian 30 năm để hoàn thành, Delta được mô tả là hệ thống phòng vệ chắc chắn nhất trên thế giới. Trong số hàng loạt công trình trị thủy, Maeslantkering - được biết đến là hàng rào chắn sóng có thể chuyển động duy nhất trên thế giới - gây ấn tượng hơn cả với hai cánh cửa quay bằng thép, mỗi bên dài 210 m, cao 22 m đặt tại bến cảng Rotterdam. Hàng rào này được kết nối với một hệ thống máy tính theo dõi mực nước biển và thời tiết nên có thể tự động đóng mở trong trường hợp khẩn cấp.

Bình thường, hai cánh cửa của Maeslantkering hoàn toàn để mở sang hai bên, rộng một khoảng 360 m cho tàu đi qua. Nếu một trận bão làm mực nước biển dâng lên 3 m trên mức thông thường, hai cánh cửa sẽ tự động nổi lên rồi đóng sập lại để ngăn dòng nước. Kể từ khi đưa vào sử dụng năm 1997, Maeslantkering mới chỉ đóng một lần trong trận bão lớn của năm 2007. Rotterdam - thành phố lớn thứ hai của Hà Lan và là bến cảng sầm uất nhất châu Âu - hiện nằm dưới mực nước biển khoảng 6 m. Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoạt động hàng hải, Rotterdam phải phụ thuộc rất nhiều vào hàng rào khổng lồ chắn sóng biển.

“Động cơ cát” tránh xói mòn.

Ngoài các công trình bờ kè, Chính phủ Hà Lan đang thử nghiệm mô hình “Động cơ cát” (Sand Engine) để bảo vệ cho khu vực phía tây đất nước trước tình trạng nước biển dâng. Hoàn thành năm 2011 với chi phí 67 triệu USD, “động cơ cát” là một bán đảo nhân tạo trải dài tựa như một dải cát ở giữa sông, diện tích chừng 1 km2. Theo tính toán của các nhà khoa học, bán đảo cát sẽ được bồi đắp dày thêm theo thời gian nhờ vào hoạt động của sóng, gió và dòng hải lưu. Khi hoàn thiện vào khoảng 5 năm tới, bãi cát này có thể bảo vệ được 20 km bờ biển khỏi bị xói mòn.

Hồng Mai
Hà Lan dạy đại bàng hạ thiết bị bay không người lái
Hà Lan dạy đại bàng hạ thiết bị bay không người lái

Trong bối cảnh các thiết bị bay không người lái ngày càng tạo ra nhiều rủi ro an ninh, cảnh sát Hà Lan đã có biện pháp trung hòa nguy cơ này bằng cách huấn luyện các chú đại bàng và diều hâu “xử lí” những cỗ máy biết bay này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN