Cơn sốt trường quốc tế ở châu Á

Sau nhiều năm thương thảo, Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành và đi vào hoạt động từ ngày 31/12/2015. Đi kèm với nó là việc tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ chính sử dụng trong khối kinh tế AEC, kéo theo nhu cầu học ngôn ngữ phổ biến này ngày một cao tại châu Á và việc nở rộ các trường học quốc tế.

Định hướng giáo dục quốc tế trong hai thập kỷ qua đang ngày một được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Thay vì trước đây chỉ có tầng lớp thượng lưu mới đủ tiền để trang trải cho con vào học tại các trường quốc tế thì nay con cái trong nhiều gia đình trung lưu cũng đua nhau xin vào các trường học song ngữ. Anh Tao Sun - một ông bố người Trung Quốc giải thích “nếu như muốn con bạn có ‘tương lai’ tại những trường đại học danh tiếng mang tầm cỡ thế giới, và nếu như muốn chúng ‘sống sót’, thành công trong cuộc chạy đua với bạn bè đồng trang lứa cũng đang lao đầu vào học, thì con bạn cần phải học và nói được tiếng Anh càng sớm càng tốt”.

Một tiết học thể dục của học sinh Trường Quốc tế Garden tại Malaysia.

Chính nhu cầu cao này đã khiến châu Á trở thành thị trường lớn nhất thế giới trong việc phát triển giáo dục quốc tế, với 2,4 triệu học sinh học trong 4.181 trường học. Con số này chiếm 55% thị trường giáo dục quốc tế trên toàn cầu. Một số báo cáo còn dự đoán đến năm 2024, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có đến 7.000 trường quốc tế đáp ứng nhu cầu cho hơn 5 triệu học sinh. Hiện Đông Nam Á đang là ngôi nhà của hơn 800 trường học quốc tế với hơn 300.000 học sinh theo học.

Phần lớn cha mẹ hi vọng các trường học quốc tế sẽ giúp con họ chuẩn bị hành trang tốt nhất nhằm nắm lấy cơ hội được học tại các trường ngoài khu vực AEC. Giám đốc hệ thống trường học quốc tế Varee, anh Varee Patravanich cho biết: “Chúng tôi mở các lớp mẫu giáo và tiểu học quốc tế, tập trung giúp trẻ chuẩn bị để có thể dự thi vào các trường đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ - mục tiêu cuối cùng của các em”.

Trong khi việc mở các trường quốc tế với phương pháp học tập hoàn toàn mới lạ tại một số nước được chính phủ ủng hộ nhiệt tình thì cũng có một số quốc gia lại đề ra nhiều chính sách hạn chế sự mở rộng của loại hình giáo dục này.

Trong năm 2014, Chính phủ Indonesia đã ban hành một số luật lệ mới buộc các trường quốc tế tại đây phải áp dụng chương trình học quốc gia, để đảm bảo rằng các học sinh trong trường được tiếp cận với các vấn đề mang nặng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ Indonesia. Điều luật cũng cấm ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và chủ đầu tư trường học quốc tế hoàn toàn là người nước ngoài. Bên cạnh đó, trường phải chứng minh có đủ nguồn tài chính để tiếp tục hoạt động trong vòng 6 năm liền.

Hay ở một số nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam đều có quy định hạn chế số lượng học sinh địa phương đăng kí vào học tại các trường quốc tế. Chính điều này đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt của các vị phụ huynh trong việc chiếm các suất học vốn đã rất ít ỏi trong các trường quốc tế cho con mình.

Tại Trung Quốc, khi nhận ra một trong những lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục quốc gia là phương pháp học thuộc lòng cổ điển, cộng thêm kỳ vọng quá nhiều vào việc học hành của con cái do sức ép từ chính sách 1 con, nên nhiều phụ huynh đã đưa các bé còn đang trong độ tuổi mẫu giáo sớm vào học tại các lò luyện để có đủ kĩ năng thi vào trường quốc tế. Tuy nhiên, học sinh thì nhiều trong khi các trường số lượng có hạn. Điều này đã khiến một bộ phận gia đình khá giả sẵn sàng cho con sớm đi du học nước ngoài tại Anh, Mỹ với hi vọng con cái mình được tiếp cận với nền giáo dục tân tiến hơn.
Hồng Hạnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN