Sau hàng trăm năm, một số thành phố lớn trên thế giới đã nhận ra rằng ô tô không phù hợp với bối cảnh đô thị; đường phố là để phục vụ con người chứ không phải những cỗ máy cồng kềnh. Đến nay chỉ còn 40% người dân Paris sở hữu ô tô riêng. |
Không chỉ là vấn đề khói xe hay tai nạn giao thông mà trong một thành phố, xe hơi thậm chí không còn là phương tiện tiện lợi để di chuyển. Thực tế, tốc độ di chuyển giao thông ở London hiện nay còn chậm hơn vận tốc của một người đi xe đạp. Hay như trung bình mỗi năm, một người dân Los Angeles có tới 90 giờ “chịu trận” trong tắc đường và ước tính các lái xe mất khoảng 106 ngày trong cả đời để tìm kiếm chỗ đỗ xe.
Hiện có không ít chính quyền thành phố đang tìm cách giảm bớt lượng xe ô tô tại các vùng lân cận thông qua xử phạt, thiết kế lại đường phố… như trường hợp của Milan - chính quyền thành phố này còn trả tiền để cư dân để xe tại nhà riêng và đi lại bằng phương tiện công cộng.
Thật không ngạc nhiên khi những đổi thay này đang diễn ra nhanh chóng nhất ở các thủ đô của châu Âu - nơi được xây dựng hàng trăm, hàng ngàn năm trước khi người ta phát minh ra ô tô.
Dưới đây là những thành phố “tiên phong” nói không với xe hơi:
1. Madrid: Một số tuyến phố ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đã cấm phần lớn các loại phương tiện qua lại. Tháng 1 vừa qua, chính quyền thành phố đã mở rộng thêm vùng cấm xe ô tô gần 2 kilômét vuông. Các cư dân tại đây vẫn được phép lái xe nhưng nếu người ở khu vực khác lái xe tới sẽ bị phạt 100 USD. Trong kế hoạch 5 năm tới, 24 tuyến phố đông đúc nhất Marid sẽ được thiết kế lại, biến vùng trung tâm Madrid trở thành một khu vực cho người đi bộ.
2. Paris: Năm 2014, mật độ khói bụi ô nhiễm tại thủ đô Paris (Pháp) đã tăng vọt khiến thành phố hoa lệ này phải hạn chế lượng phương tiện lưu thông bằng cách phân chia theo biển số chẵn lẻ. Ngay sau đó, ô nhiễm không khí tại một số khu vực đã giảm tới 30%. Tới năm 2020, thị trưởng Paris dự định sẽ nhân đôi làn đường dành cho xe đạp và cấm các ô tô chạy bằng xăng dầu hoạt động trong thành phố, đồng thời sẽ giới hạn các xe ô tô điện và ô tô thải ít khí tại những tuyến phố đông đúc. Số lượng phương tiện vì thế đã bắt đầu giảm xuống. Năm 2001, 60% người dân Paris sở hữu ô tô riêng, đến nay chỉ còn 40%.
3. Thành Đô:
Mô hình thành phố vệ tinh ở Thành Đô (Trung Quốc) được coi là một mô hình ngoại ô hiện đại khá lý tưởng. Đường phố sẽ được quy hoạch để mọi địa điểm cần thiết chỉ cách nhau 15 phút đi bộ. Một nửa đường sá trong thành phố sẽ cấm các phương tiện cơ giới, một nửa còn lại vẫn hoạt động bình thường. Dự kiến tới năm 2020, hầu hết 80.000 người dân thành phố sẽ có thể đi bộ đi làm.
4. Hamburg:Mặc dù Hamburg (Đức) không chủ trương cấm ô tô ở khu vực trung tâm nhưng chính quyền đã xây dựng những chính sách tuyệt vời để người dân không cần phải sử dụng đến xe ô tô riêng. Một “mạng lưới xanh”, hoàn thiện trong vòng 15 - 20 năm tới, sẽ kết nối mọi công viên trong thành phố thông suốt với nhau. Người dân chỉ cần đi bộ hoặc là thong dong đạp xe cũng sẽ tới được nơi họ cần đến. Mạng lưới này sẽ chiếm 40% không gian thành phố.
5. Milan:Kinh đô thời trang Milan của Italy đang khuyến khích người dân không sử dụng xe cá nhân bằng cách phát miễn phí vé các phương tiện công cộng. Bất cứ ai để xe riêng ở nhà cũng sẽ nhận được một tấm phiếu có giá trị tương đương với vé xe buýt và tàu điện. Quá trình này dựa trên một thiết bị định vị kết nối Internet lắp đặt ngay trên xe của người dân thành phố nên các tài xế sẽ khó lòng gian lận.
6. Copenhagen:Hiện nay mỗi ngày có hơn một nửa dân thành phố Copenhagen (Đan Mạch) đạp xe đi làm. Chú trọng phát triển các khu vực đi bộ từ những năm 1960, Copenhagen tới nay đã có những tuyến đường dành riêng cho xe đạp trải dài hàng trăm km. Nhờ vậy mà thành phố này có tỉ lệ sở hữu xe riêng thấp nhất châu Âu.
Hoàng Trang