Sau Tết, doanh nghiệp “khát lao động”

Đời sống và việc làm ở nông thôn ngày càng được cải thiện, trong khi cuộc sống tại các thành phố cũng như việc đi lại trong mỗi dịp Tết ngày càng khó khăn đang khiến không ít nông dân Trung Quốc không còn mặn mà với thành phố.


Theo đó, tình trạng khan hiếm lao động ở các thành phố lớn của Trung Quốc sau mỗi dịp Tết đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Sau Tết Nguyên đán năm ngoái rất nhiều nông dân đã rời quê để cuốn vào vòng mưu sinh trên những chuyến tàu xuôi Nam ngược Bắc. Nhưng năm nay, tình hình có vẻ tĩnh lặng hơn nhiều…


Tại chợ lao động An Đức Môn ở Nam Kinh, một trong những nơi cung cấp dịch vụ lao động có quy mô lớn nhất ở tỉnh Giang Tô, số lượng việc làm được đăng tuyển tại đây mỗi ngày lên tới trên 10.000 vị trí, nhưng chỉ tìm được khoảng 100 lao động.

Theo số liệu của Phòng bảo hiểm xã hội và nguồn nhân lực thành phố Nam Kinh, tính đến ngày 8/2, các cơ sở giới thiệu việc làm của thành phố đã nhận được hơn 50.000 vị trí cần tuyển dụng. Các vị vị trí này đa số là công nhân lắp ráp điện tử, công nhân hàn điện, nhân viên phục vụ nhà hàng, đòi hỏi kỹ năng không cao.

Trong số công nhân - nông dân lũ lượt về quê ăn Tết này, nhiều người không trở lại thành phố nữa. Ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)


Một điều rất khác trước là tất cả các vị trí này đều được nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cùng với đó, các đơn vị tuyển dụng đã trực tiếp đến tận các khu dân cư, bến tàu, bến xe hoặc nơi công cộng tập trung đông người tiến hành tuyển dụng. Mặc dù vậy, kết quả thu được vẫn hết sức khiêm tốn, còn xa mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Tại tỉnh Quảng Đông, tình trạng khan hiếm lao động cũng ngày càng trở nên căng thẳng. Mặc dù các doanh nghiệp dường như đã quen với việc thiếu hụt công nhân sau mỗi dịp nghỉ Tết, song tình trạng này mấy năm gần đây trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Theo ước tính, sau đợt Tết Nguyên đán vừa qua, các doanh nghiệp trong tỉnh thiếu khoảng 1 triệu công nhân.

Thành phố không còn hấp dẫn

Mức tiêu dùng ở các thành phố lớn rất cao trong khi ở một số địa phương, lợi ích lao động của công nhân – nông dân không được đảm bảo. Đây là hai trong số những nguyên nhân khiến họ không còn muốn lên thành phố làm việc. Triệu Nhị Cường, một thôn dân cho biết, anh không định đi làm xa quê nữa, bởi ra ngoài nhiều phiền phức, một năm phải đi về mấy lượt, số tiền dành dụm được cũng tiêu pha hết vào việc đi đường rồi.

Nông dân còn không muốn bỏ quê lên phố còn bởi ngay ở địa phương cũng có không ít doanh nghiệp, tuy đãi ngộ thấp hơn một chút nhưng do làm việc ngay ở “cạnh nhà” nên các khoản chi tiêu cũng ít đi và mức tiêu dùng lại thấp hơn nhiều so với ở thành phố.

Cùng với đó, mấy năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện khá tốt chính sách ưu đãi nông nghiệp, đời sống nông thôn càng ngày một cải thiện, nên đi làm ở nơi xa không còn là cách chủ yếu để giúp người nông dân tăng thêm thu nhập nữa. Nhiều nông dân cho rằng, ở nhà trồng trọt, chăm sóc nhà cửa, nuôi gia súc, gia cầm cũng không kém với việc đi làm thuê ở nơi xa.

Chuyên gia Trương Dực thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lao động và nhân khẩu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, việc tuyển dụng lao động ở các thành phố trong năm 2011 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.


Ngoài nguyên nhân cuộc sống tại các thành phố cũng như việc đi lại trong mỗi dịp Tết ngày càng khó khăn hơn, lương thực, thực phẩm thời gian qua tăng giá cũng khiến người nông dân thêm quyết tâm ở lại quê hương để làm nông nghiệp. Tình trạng này rất có thể dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung - cầu lao động ở các thành phố.

Giữ chân lao động

Tình trạng thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp có đặc thù sử dụng nhiều lao động như dệt may, gia công… phải nghĩ ra nhiều cách để “giữ chân” công nhân.

Tập đoàn Hải Lan ở tỉnh Giang Tô là doanh nghiệp may mặc lớn với số lao động lên hơn 10.000 người. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp này đã để ra khoảng 40 triệu nhân dân tệ (NDT) để thực hiện một loạt chính sách ưu đãi cho công nhân.


Theo cách tính lương mới nhất, mỗi người lao động (làm trong dây chuyền) làm trọn một năm sẽ được hưởng thêm 3.000 NTD, những người làm đủ 5 năm thì có thể nhận thêm 8.000 NDT, những bộ phận yêu cầu chuyên môn cao hơn có thể lĩnh thêm tới 10.000 NDT.

Đồng hành với doanh nghiệp, trong năm 2011, chính quyền thành phố Nam Kinh đã đưa ra chính sách “đãi ngộ thị dân”. Ông Tôn Vũ, Phó Chủ nhiệm Trung tâm dịch vụ quản lý giới thiệu việc làm của Nam Kinh cho biết, trong năm sẽ thành lập trung tâm dịch vụ thị dân mới chuyên phục vụ cho công nhân - nông dân ở mọi nơi trong thành phố, thông qua biện pháp liên kết các ban, ngành tạo ra một môi trường tốt để công nhân - nông dân vào thành phố được thuận lợi, giúp cho công nhân - nông dân được hưởng các quyền lợi như người dân thành phố Nam Kinh, tức là “vào thành phố là có việc làm, đi làm là được bồi dưỡng đào tạo, lao động có hợp đồng, làm việc có thù lao, sản xuất được an toàn, chỗ ở được cải thiện, sinh hoạt có văn hóa, phát triển có mục tiêu…”.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN