Bất cứ ai từng theo dõi bộ phim truyền hình Borgen của Đan Mạch đều không thể quên được hình ảnh nhân vật nữ phóng viên tóc vàng Katrine Fønsmark xinh đẹp và tài năng thanh thản tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi trong căn hộ nhỏ xinh tầm nhìn hướng ra con kênh đầy thơ mộng. Nhân vật Fønsmark ở một mình nhưng sau khi chuyển đến sống cùng bạn trai thì mối quan hệ của họ ngay lập tức nảy sinh rạn nứt.
Theo quan điểm của phóng viên Laura Engstrøm, 44 tuổi và nhà thiết kế đồ họa Laura Danielsen (38 tuổi), những người phụ nữ đang sống một mình trong căn hộ chung cư nhỏ giống như nhân vật Fønsmark thì chuyện này hoàn toàn trùng khớp với thực trạng cuộc sống của giới trẻ Đan Mạch hiện nay.
Thanh niên Đan Mạch thích sống trong căn hộ dành cho một người. |
Theo dữ liệu của văn phòng thống kê châu Âu, Đan Mạch là quốc gia có số căn hộ dành cho một người lớn nhất trong khối EU, chiếm 45% tổng số căn hộ của nước này. Phần Lan là quốc gia kế tiếp với mức 40,8%. Trong khi đó tại Anh con số này là 30,6% còn Tây Ban Nha là 23,2%.
Cơ quan thống kê của Đan Mạch cho biết trào lưu sống một mình, hay còn được gọi là alene-kultur trong tiếng nước này đã sục sôi tại đây trong nhiều thập kỷ, với số người sống theo kiểu "chăn đơn gối chiếc" tăng 42% kể từ năm 1986.
Hiện tượng này thậm chí còn tác động đến thị trường bất động sản, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản cho thuê Đan Mạch, số lượng căn hộ dành riêng cho một người có diện tích từ 80 m2 đến 130 m2 kể từ năm 1981 đã tăng từ 7% lên 13%.
Engstrøm tủm tỉm cười rồi nói: “Đếm người có đôi có lứa còn dễ hơn đếm người độc thân. Ngay tại nơi tôi ở có 6 hoặc 7 căn hộ thì cũng chỉ có 1 gia đình, còn lại là những người sống một mình”.
Danielsen hoàn toàn đồng tình và lý giải về hiện tượng này rằng những người trẻ tuổi đã dành toàn tâm sức và thời gian vào công việc do vậy tất cả những gì họ cần khi trở về nhà chỉ là ngủ và nghỉ ngơi, kết quả là họ muốn có một không gian đặc biệt cho bản thân và không phải chia sẻ cùng người khác”.
Theo trung tâm Hofstede, nơi chuyên phân tích văn hóa các quốc gia dựa trên học thuyết của nhà xã hội học người Hà Lan Geert Hofstede thì Đan Mạch là quốc gia có xã hội đề cao tự do cá nhân. Trong khi đó, Maria Iacovou, phó giáo sư trường Đại học Cambridge phân tích hiện tượng này bắt nguồn từ quy tắc xã hội. Cô nói nếu như tại Italy mọi người sẽ đặt câu hỏi “gia đình anh ta có vấn đề chăng?” về một thanh niên sống một mình thì tại các nước Bắc Âu dư luận lại thường dị nghị khi một người 29 tuổi vẫn sống cùng bố mẹ.
Bên cạnh đó, Iacovou cũng khẳng định kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong hiện tượng này khi trên mặt bằng chung ở Đan Mạch và nhiều quốc gia Bắc Âu khác thì tỉ lệ thất nghiệp khá thấp, người dân đều có mức lương tương đối hậu hĩnh, được hưởng phúc lợi xã hội nhiều ưu ái của nhà nước. Chính vì vậy Iacovou nhấn mạnh rằng “việc sống một mình có lẽ là tốn kém và khó để xoay xở tài chính nhưng với điều kiện kinh tế dư dả thì điều này lại hoàn toàn khác".
Tuy vậy, cũng có một khía cạnh khác liên quan đến alene-kultur. Theo một báo cáo của giáo sư Kirsten Gram-Hanssen tại Viện Nghiên cứu xây dựng thuộc Đại học Aalborg được đăng năm 2010 thì những người Đan Mạch sống một mình thường cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Trong khi một nửa những người sống chung với gia đình thường tự miêu tả họ “rất hạnh phúc” thì chỉ chưa đầy 1/3 những người sống một mình cảm thấy tương tự.