Trung Quốc rốt cuộc có bao nhiêu căn nhà bỏ không? Con số phải chăng là 65,4 triệu như rộ lên hồi giữa tháng 7 vừa qua? Góp phần làm rõ vấn đề, cơ quan thống kê các cấp của nước này quyết định vào cuộc và Bắc Kinh được chọn là một trong những thành phố thí điểm thực hiện điều tra tình trạng nhà bỏ không. Cùng với đó, một nghề hoàn toàn mới đã xuất hiện ở Trung Quốc, đó chính là làm quản gia nhà bỏ không.
Nhằm xác định một căn nhà nào đó có thuộc dạng "bỏ không" hay không, cơ quan thống kê Trung Quốc áp dụng nhiều phương thức điều tra, từ việc kiểm tra đồng hồ cùng hóa đơn thu tiền điện, tiền nước, tiền gas và phí phục vụ đến việc cử người vào tận nhà để kiểm tra. Khi bức màn bí mật về những căn nhà bỏ không sắp được vén lên, nhiều biện pháp đối phó đã được chủ của các căn nhà bỏ không đưa ra. Trước tiên là việc cho người thuê để đảm bảo công tơ điện vẫn quay, đồng hồ nước vẫn chạy, hóa đơn tiền gas, dịch vụ chung vẫn thanh toán đều đều. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà lại không muốn để người khác đến trọ trong căn nhà của mình. Vì thế, nghề làm quản gia nhà bỏ không đã ra đời và mang đến cho các đại lý môi giới cơ hội làm ăn mới.
Theo giới thiệu của một nhà cung cấp dịch vụ làm quản gia nhà bỏ không tên Vương, sau khi giao kèo hoặc hợp đồng được cả hai bên thừa nhận, chủ nhà hoàn toàn có thể yên tâm bởi hàng tháng nhà cung cấp dịch vụ sẽ cử người đến bật đèn điện, mở vòi nước, châm bếp gas. Chỉ cần đồng hồ điện, nước, gas chạy, cơ quan điều tra không có gì "vặn vẹo" được nữa. Trong trường hợp, cơ quan điều tra cử người đến tận nhà, nếu chủ nhà cho phép, người của nhà cung cấp dịch vụ sẽ lưu lại trong căn nhà vốn thuộc dạng bỏ không đó, "diễn" đúng thân phận ghi trong hợp đồng, "giúp" cơ quan điều tra rũ bỏ mọi hoài nghi liên quan.
Đương nhiên, để có vở kịch che mắt cơ quan điều tra đó, chủ nhà phải mở hầu bao, ít nhiều phụ thuộc vào loại nhà mà họ sở hữu. Trong bảng giá mà ông Vương đưa ra, phí "quản gia" đối với nhà 1 phòng ngủ, 1 phòng khách xây trước năm 2000 là 200 nhân dân tệ/tháng (gần 600.000 đồng), con số này đối với nhà 4 phòng ngủ, 2 phòng khách xây sau năm 2008 là 380 nhân dân tệ/tháng. Trong trường hợp của chung cư, rẻ nhất là những căn hộ 1 phòng ngủ, 1 phòng khách (350 nhân dân tệ/tháng) và đắt nhất là những căn hộ 4 phòng ngủ, 2 phòng khách (1.150 nhân dân tệ/tháng). Đối với dạng biệt thự, rẻ nhất là 700 nhân dân tệ/tháng và đắt nhất là 1.450 nhân dân tệ/tháng. Ngoài ra, để được hưởng thêm các loại dịch vụ khác như dọn dẹp lau chùi, kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị trong nhà, chủ nhà lại phải móc hầu bao một lần nữa, mỗi hạng mục là 50 nhân dân tệ/tháng.
Ông Vương cho biết, trước đây ông chủ yếu giới thiệu loại hình dịch vụ này cho bạn bè. Nhưng gần đây, khi Chính phủ Trung Quốc quyết định bắt tay điều tra tình trạng nhà bỏ không, ông nhận thấy đây là một cơ hội làm ăn và quả thực càng gần đến giờ G của cuộc điều tra, số người điện thoại cho ông để xin tư vấn về loại hình dịch vụ mới mẻ này càng nhiều. Một nhà cung cấp "quản gia" cho nhà bỏ không tên Ngô cũng thổ lộ rằng ông vốn có nghề nghiệp ổn định, nhưng vẫn cảm thấy không nên bỏ qua cơ hội hiếm có này. Cùng với việc nóng lên của công tác điều tra nhà bỏ không, ông Ngô cho biết công việc làm ăn của mình trở nên phát đạt không ngờ.
Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều ông bà chủ đầu cơ nhà đang tìm đến với dịch vụ cung cấp quản gia cho nhà để không. Tuy nhiên, theo luật sư Lâm Ngộ Giang thuộc Văn phòng Luật sư Nặc Hằng ở Bắc Kinh, việc thuê quản gia cho nhà bỏ không không có lợi cho việc bảo vệ tài sản cá nhân, không chỉ khiến chủ nhà đối mặt với nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân mà còn phải đứng trước khả năng nhà bị các phần tử phi pháp chiếm dụng tài sản. Đối với cơ quan điều tra, việc này cũng gây ra những phiền nhiễu nhất định, ảnh hưởng tới độ chính xác về số liệu thống kê, từ đó tác động tiêu cực tới việc đề ra chính sách kinh tế của Nhà nước. Căn cứ vào Luật Thống kê, công dân có nghĩa vụ cung cấp các số liệu thống kê một cách trung thực, do đó việc cung cấp dịch vụ quản gia nhà bỏ không lẫn việc tiếp nhận loại hình dịch vụ này đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Hà Ngọc