Vân tay cổ đại được tìm thấy trên mặt trong của nắp quan tài. |
Theo nhà Ai Cập học Helen Strudwick, đây là dấu vân tay của các thợ thủ công. Dù là những người rất có kĩ năng nhưng họ đã phạm phải sai lầm khi chạm vào cỗ quan tài trước khi lớp véc-ni kịp khô. Những dấu vân tay này được phát hiện vào năm 2005 nhưng vẫn chưa được công bố kể từ thời điểm đó.
Trong một tuyên bố, bảo tàng cho hay phát hiện về các dấu vân tay “mang chúng ta đến gần hơn với những người đã làm nên những chiếc quan tài”. Theo thông tin của bảo tàng, các dấu vân tay nằm trên mặt trong của nắp quan tài, được cho thuộc về một giáo sĩ tên Nespaweshefyt, còn được biết đến dưới cái tên Nes-Amun, người đứng đầu các học giả tôn giáo của thần Amun-Re ở Thebes.
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành kiểm tra những cỗ quan tài có từ năm 1.000 trước công nguyên này, bao gồm việc sử dụng tia X tại bảo tàng và chụp CT tại một bệnh viện gần đó. Công việc này nhằm tìm kiếm những thông tin có thể hé lộ cho các nhà khoa học biết từ 3.000 năm trước những cỗ quan tài của Ai Cập được chế tác như thế nào.
Julie Dawson, người đứng đầu bộ phận bảo tồn tại bảo tàng Fitzwilliam cho biết mặt bên trong quan tài được làm từ nhiều mảnh gỗ khác nhau, bao gồm cả những phần thuộc ít nhất từ một cỗ quan tài cổ hơn. Các cỗ quan tài này sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm mới có tên “Cái chết trên dòng sông Nile” bắt đầu từ ngày 23/2, tập trung vào việc mẫu thiết kế quan tài Ai Cập đã phát triển như thế nào trong hơn 4.000 năm.
Theo Strudwick, người đồng phụ trách cuộc triển lãm, các cỗ quan tài cho thấy kĩ năng và sự chú tâm người Ai Cập cổ đại dành cho vật được chuẩn bị cho cuộc sống ở kiếp sau. Dù với con người hiện đại, cái chết gần như là một chủ đề kiêng kị, và điều này giống như một mối bận tâm không lành mạnh. Nhưng với những người cổ đại, điều này thể hiện một sự ám ảnh với cuộc sống đồng thời cũng là một mong muốn nhằm bảo đảm sự chuyển tiếp hoàn hảo sẽ diễn ra sau khi hơi thở cuối cùng trút xuống.