'Ong bắp cày sát thủ' xuất hiện bất thường tại Mỹ

Ngày 4/5, giới chức bang Washington của Mỹ cho biết, hàng trăm con ong bắp cày châu Á khổng lồ, loài côn trùng ăn thịt được mệnh danh là "ong bắp cày sát thủ", đã tràn đến tiểu bang giáp biên giới Canada này, gây ra mối đe dọa cho con người và ngành chăn nuôi ong.

Chú thích ảnh
Ong bắp cày châu Á khổng lồ, loài côn trùng ăn thịt được mệnh danh là "ong bắp cày sát thủ". Ảnh: cnn

Ong bắp cày sát thủ có tên khoa học là Vespa mandarinia, có thể đạt chiều dài 6,35 cm và có nguồn gốc từ Đông Nam Á và Trung Quốc. Theo cơ quan nông nghiệp bang Washington, ong bắp cày sát thủ được phát hiện lần đầu tiên tạivùng Blaine thuộc bang này hồi tháng 12/2019. Một con ong bắp cày sát thủ châu Á có thể đốt nhiều lần và với kích thước lớn hơn rất nhiều so với các loại ong khác, nó tiết ra một lượng lớn nọc độc.

Nọc độc của chúng khá nguy hiểm và có thể gây hoại tử xung quanh miệng vết thương. Theo các tài liệu, 1 hoặc 2 vết đốt sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu bị đốt nhiều lần thì tình trạng hoại tử và nọc độc của loài ong này sẽ theo đường máu ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể và có thể dẫn đến tử vong. Giới chức nông nghiệp tiểu bang Washington đã mở trang web để thu thập thông tin về sự xuất hiện của ong bắp cày sát thủ và đã nhận được hàng trăm báo cáo gửi đến.

Bên cạnh việc gây nguy hiểm cho con người, ong bắp cày sát thủ còn là mối nguy hại cho ngành nông nghiệp và ngành chăn nuôi ong, bởi loài ong sát thủ này sẽ tấn công ong mật. Chỉ một vài con ong bắp cày cũng có thể tiêu diệt cả một tổ ong mật trong vài giờ. Điều này gây nguy hại cho ngành nông nghiệp vì ong mật đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn, một giai đoạn quyết định trong sản xuất nông nghiệp và các hệ thống nông nghiệp tại Mỹ. Vì vậy, nếu tình trạng này còn kéo dài và lan ra các vùng khác thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải vì sao ong bắp cày sát thủ lại xuất hiện tại Blaine. Nguyên nhân khả thi nhất là tàu container đã cập một trong các cảng của Washington có chứa loài ong này. Việc cố ý vận chuyển côn trùng gây hại vào Mỹ là vi phạm luật liên bang. Người dân cũng được khuyến cáo đề cao cảnh giác khi đi qua một tổ ong bất kì, dù ong bắp cày không thường tấn công người và động vật nhưng chúng sẽ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Đồ bảo hộ nuôi ong bình thường sẽ không thể bảo vệ bạn khi bị ong bắp cày tấn công, bởi ngòi nọc của loài ong này dài đến 6 mm, có thể xuyên qua hầu hết các loại quần áo.

Lan Hương (TTXVN)
Nửa triệu loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng
Nửa triệu loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng

Một nửa trong số 1 triệu loài động vật và thực vật trên Trái Đất đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng là các loài côn trùng, và sự biến mất của chúng có thể là thảm họa đối với con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN