"Nuôi" thịt trong phòng thí nghiệm

Với mong muốn hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, một nhà sinh học Mỹ đang thực hiện những thí nghiệm tưởng như chỉ có trong viễn tưởng. Đó là "nuôi" thịt, hay nói cách khác là tạo ra các loại thịt nhân tạo - một loại thịt khác xa với thịt động vật mà chúng ta đang ăn hiện nay.

Theo nhà sinh học Vladimir Mironov, loại thịt tạo ra từ ống nghiệm này có thể là bước quan trọng đối phó với nạn đói trên thế giới. Ông Mironov cho biết, với mật độ dân số ngày càng đông đúc, hiện nhiều nơi đã không còn đất để trồng trọt chăn nuôi, ví như bang New York ở Mỹ hay Xinhgapo. Trong khi đó, dự kiến vào năm 2050, nhu cầu tiêu thụ thịt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Thịt nhân tạo không chỉ giải quyết hiệu quả vấn đề lương thực mà còn góp phần bảo vệ môi trường do 18% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới xuất phát từ ngành chăn nuôi.

Trong một ví dụ điển hình của quá trình "nuôi" thịt, ông Mironov lấy tế bào cơ của một con gà tây nhúng vào huyết thanh bào thai bò rồi từ đó nuôi mô cơ của gà tây. Qua quá trình thí nghiệm, ông Mironov đã phát hiện ra rằng gan - nguyên liệu làm món patê nổi tiếng của Pháp - là thứ dễ “nuôi” nhất.

Tuy nhiên, nhà sinh học Mironov 56 tuổi phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện thí nghiệm "nuôi" thịt ở phòng thí nghiệm trường Đại học Y khoa South Carolina (thành phố Charleston, bang Nam Carolina). Thịt không phải tự nhiên sinh sôi nảy nở cũng không phải qua một đêm là có hàng tấn. Trong khi đó, kinh phí thực hiện cũng là một vấn đề lớn.

Nhà sinh học Vladimir Mironov (trái) và cộng sự trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Internet


Giấc mơ nghiên cứu phương pháp "nuôi" thịt của ông Mironov đã thành hiện thực cách đây 10 năm khi ông được Cơ quan hàng không vũ trụ NASA hỗ trợ công trình nghiên cứu về công nghệ mô tim. Sau khi NASA ngừng tài trợ, công trình "nuôi" thịt của ông Mironov được các nhà hoạt động vì quyền lợi của động vật thuộc Tổ chức PETA (Những người đối xử nhân đạo với động vật) tài trợ trong 3 năm.

Tuy nhiên, tài chính vẫn là một trong những trở ngại chính. Dù ý tưởng "nuôi" thịt xuất phát từ Mỹ nhưng Viện Nông nghiệp và thực phẩm quốc gia và một số tổ chức khác ở Mỹ lại không nhận tài trợ cho công trình làm thịt nhân tạo. Trong khi đó, Hà Lan lại tiên phong trong việc hỗ trợ các nhà sinh học của họ nghiên cứu thịt tạo ra từ ống nghiệm. Ông Mironov cũng nhận định rằng, người châu Âu đang đi đầu trong phát triển công nghệ tạo thịt từ ống nghiệm.

Không chỉ thế, những nhà sinh học như ông Mironov còn vấp phải một thách thức nữa cũng lớn không kém. Đó chính là quan điểm, suy nghĩ của người tiêu dùng về loại thịt "lạ lùng" này. Chắc chắn mọi người sẽ dè chừng với loại thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm. Họ sẽ hoài nghi về độ an toàn, chất lượng, mùi vị…và sẽ không dễ thuyết phục họ bỏ tiền mua chúng mặc dù trên thị trường đã có nhiều loại thực phẩm biến đổi gien và không có hại.

Theo hãng tin AFP, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Mironov khẳng định, triển vọng tương lai của thịt nhân tạo rất sáng sủa và việc tạo ra một miếng bít tết từ thịt trong phòng thí nghiệm không còn quá xa hiện thực. Loại thịt "nuôi" theo cách phi tự nhiên này sẽ là một loại thực phẩm có mùi vị tự nhiên không kém thịt "xịn". Các bà nội trợ trong tương lai cũng sẽ có nhiều lựa chọn đối với thịt nhân tạo khi các nhà khoa học đang thí nghiệm nuôi mô cơ của nhiều loại động vật như gà, gà tây, cừu, lợn, bò…

Ông Mironov và cộng sự cùng với 28 nhà khoa học khác đã được mời tham dự một hội thảo khoa học về thịt nuôi trong ống nghiệm ở thành phố Goteborg (Thụy Điển) vào tháng 8 tới. Tại hội thảo, họ sẽ cùng nhau chia sẻ những khó khăn họ gặp phải và sẽ ra mắt sản phẩm đầu tay tại đây.

Chúng ta hãy thử chờ xem mùi vị miếng bít tết làm từ thịt bò được "chế tạo" trong phòng thí nghiệm có gì khác so với miếng bít tết từ một con bò!

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN