'Nỗi lòng' của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Liên tục được bầu chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với mức sống cao, Phần Lan đáng nhẽ trở thành nơi thu hút nhiều người di cư song thực tế, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Chú thích ảnh
4 năm liên tiếp Phần Lan được LHQ bầu chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: newsmobile

“Rõ ràng chúng ta cần một lượng lớn lao động nhập cư đến với quốc gia”, nhà tuyển dụng Saku Tihverainen làm việc cho công ty tìm kiếm nhân tài Talented Solutions trả lời phỏng vấn hãng tin AFP. Chuyên viên tuyển dụng này cho biết Phần Lan đang chật vật trước thực trạng dân số già hóa và mức độ tăng trưởng dân số cực thấp.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), Phần Lan chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản khi xét về mức độ già hóa dân số. Đến năm 2030, tỷ lệ người già tại quốc gia này được dự báo sẽ tăng lên 47,5%.

Chính phủ đã cảnh báo quốc gia 5,5 triệu dân này cần phải tăng gấp đôi số lượng người nhập cư lên 20.000-30.000 mỗi năm để duy trì các dịch vụ công và giảm thâm hụt lương hưu.

Sau nhiều năm trì trệ, các doanh nghiệp và chính phủ "đang sát với thời điểm cận kề và nhận ra vấn đề khi dân số già đi”. Charles Mathies, một nhà nghiên cứu tại Học viện Phần Lan kiêm chuyên gia tư vấn cho chương trình “Tăng cường nhân tài” của chính phủ, cho biết lực lượng nhập cư mà nước này hướng tới bao gồm nhân viên y tế Tây Ban Nha, thợ gia công kim loại Slovakia, các chuyên gia công nghệ thông tin và hàng hải của Nga, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai chương trình, dường như các nỗ lực không tạo ra mấy hiệu quả.

Năm 2013, 5 trong số 8 y tá Tây Ban Nha được tuyển tới thị trấn Vaasa ở phía Tây Phần Lan đã rời đi sau vài tháng ở đây. Họ giải thích chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thời tiết khắc nghiệt cùng ngôn ngữ phức tạp là những rào cản khiến họ không thể tiếp tục làm việc.

Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập về hệ thống nhập cư khiến cho nhiều lao động nước ngoài không ưu tiên lựa chọn Phần Lan làm nơi sinh sống.

Nhiều người nước ngoài phàn nàn rằng các công ty tại Phần Lan không công nhận các chứng chỉ, bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc của họ tại nước ngoài, cũng như có định kiến đối với các ứng viên không phải người Phần Lan.

Anh Ahmed, 42 tuổi người Anh có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm số cho các công ty gia dụng đa quốc gia, đã quyết định rời khỏi Helsinki sau 6 tháng tìm việc.

“Một nhà tuyển dụng thậm chí còn từ chối bắt tay tôi. Không bao giờ thiếu việc, chỉ là tư duy kém thôi”, Ahmed cho biết anh nhận được nhiều lời mời làm việc từ các công ty lớn tại Na Uy, Qatar, Anh và Đức.

Đối với Thị trưởng Jan Vaaavuori thành phố Helsinki, 4 năm Phần Lan giành được danh hiệu do LHQ bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không giúp ích gì nhiều cho thực trạng thiếu hụt người lao động tại đây.

“Nếu bạn hỏi bất kỳ một người nào đó trên đường phố ở Paris, London hay New York, tôi không nghĩ hầu hết mọi người biết về chúng tôi”, vị quan chức trầm ngâm.

Trong 4 năm nhiệm kỳ, Thị trưởng Vapaavuori đã tìm tới các công ty PR quốc tế để giúp nâng cao vị thế của thành phố. Ông bày tỏ sự lạc quan về khả năng thu hút nhân tài châu Á của Phần Lan trong tương lai và tin rằng ưu tiên của người dân sẽ thay đổi một khi hoạt động di chuyển quốc tế bình thường trở lại sau khi COVID-19 chấm dứt.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Già hóa dân số tại Đông Á ảnh hưởng đến hồi phục hậu COVID-19
Già hóa dân số tại Đông Á ảnh hưởng đến hồi phục hậu COVID-19

Thống kê công bố ngày 11/5 cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số. Không chỉ riêng Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Á đều có rủi ro này và các chuyên gia đánh giá diễn biến có thể tác động đến khả năng hồi phục toàn cầu hậu dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN