Nỗi ám ảnh ly hôn “tức thì”

Ấn Độ có lẽ là đất nước duy nhất trên thế giới cho phép đàn ông theo đạo Hồi có thể ly dị vợ ngay tức thì bằng cách nói hoặc viết ra giấy liên tiếp ba lần từ “talaq” (ly hôn). Ấy vậy mà người phụ nữ lại không có quyền phản đối quyết định này. Họ phải chịu đựng cảnh tủi hổ khi bất ngờ bị chồng ruồng bỏ, bị gia đình và cộng đồng xa lánh.

Quá bất bình trước tục lệ vô lý này, đông đảo phụ nữ trong cộng đồng người Hồi giáo ở Ấn Độ đã đệ đơn kiến nghị Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết tục “ba lời talaq” là vi phạm hiến pháp, trái với luật Hồi giáo, đồng thời cấm hẳn việc áp dụng nó trong xã hội.

Theo kết quả khảo sát, 92% phụ nữ theo đạo Hồi ở Ấn Độ muốn cấm hoàn toàn tục lệ “ba từ talaq”.

Thế giới của Shayara Bano, 35 tuổi, đã đổ sụp từ tháng 10 năm ngoái. Lúc đó, cô tới nhà cha mẹ ruột ở bang Uttarakhand để chữa bệnh thì bất ngờ nhận được “talaqnama” - lá thư mà qua đó người chồng tuyên bố đã ly dị cô. Mọi nỗ lực để liên lạc với người đầu ấp tay gối suốt 15 năm qua của Bano đều vô ích. “Anh ấy tắt điện thoại, tôi chẳng còn cách nào để liên lạc với anh ấy. Tôi cũng không được phép gặp lại các con”, Bano kể lại. Tháng 2 vừa rồi, Bano đã đưa đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu cấm hoàn toàn tục “ba từ talaq” - cái cớ mà những ông chồng tồi đang vin vào để tùy tiện đối xử với vợ của mình như một món đồ vô tri vô giác.

Hay như trường hợp của Nooran Nisa, chồng cô đòi ly dị sau bốn tháng hôn nhân. “Tất cả phụ nữ Hồi giáo đều bị ám ảnh bởi từ đó”, Nisa chia sẻ, “…mỗi lần cãi vã, tôi đều phản ứng lại nhưng khi đôi bên quá nóng nảy, tôi ngừng lại bởi vì sợ chồng mình sẽ nói talaq”. Thực tế là chồng cô đã không hề nói từ này mà viết ra giấy rồi đuổi cô khỏi nhà.

Người Hồi giáo là cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ với khoảng 155 triệu người. Việc kết hôn và ly hôn của họ do luật đạo Hồi (sharia) quy định. Mặc dù tục lệ “ly hôn tức thì” đã tồn tại hàng thập kỷ nay nhưng “ba từ talaq” không hề được nhắc đến trong sharia hay kinh Koran. Các học giả nghiên cứu về đạo Hồi cho hay kinh Koran giải thích rõ ràng rằng nếu một cặp vợ chồng muốn ly hôn thì phải trải qua một thời gian chờ đợi là ba tháng để đôi bên có đủ thời gian suy ngẫm và hòa giải. Hầu hết các quốc gia Hồi giáo bao gồm cả Pakistan và Bangladesh đều cấm “ba từ talaq” thế nhưng nó vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ.

Khoa học công nghệ hiện đại còn khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn nữa. Các ông chồng vô tâm chỉ cần nhắn tin hoặc gọi điện thoại để tuyên bố rũ bỏ người vợ. Không ít người đã dùng các mạng xã hội như Skype, WhatsApp hay Facebook để đòi chia tay vợ với những lý do hết sức vô lý như vợ nhuộm tóc hay không hài lòng với món ăn vợ nấu…

Tính từ năm 2007, tổ chức Phong trào của Phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ (BMMA), có trụ sở tại Mumbai, đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp bị chồng ly hôn ngay tức thì bằng “ba từ talaq”, để lại hậu quả phía sau là những người vợ nghèo khó không nơi nương tựa.

Tháng 10/2015, tổ chức vì quyền lợi của người phụ nữ BMMA đã thay mặt hơn 4.000 phụ nữ tại 10 bang của Ấn Độ viết thư gửi lên Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu “những cải cách trong luật pháp Hồi giáo về ly hôn và chế độ đa thê”, đồng thời đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao. Song hoạt động này cũng vướng phải sự phản đối của một số nhóm Hồi giáo có tư tưởng bảo thủ ở Ấn Độ. Ví dụ như Hội đồng Luật pháp cá nhân Hồi giáo tại Ấn Độ (AIMPLB), họ thấu hiểu sự thiệt thòi của người phụ nữ song cho rằng không nên xóa bỏ tục lệ “ba từ talaq” mà thay vào đó là sửa đổi hoặc phạt nặng những người vi phạm.
Hồng Mai (theo BBC/Guardian)
Hủ tục săn phù thủy ám ảnh làng quê Ấn Độ
Hủ tục săn phù thủy ám ảnh làng quê Ấn Độ

Giật mình tỉnh giấc trong một trại mồ côi ở phía đông Ấn Độ, cậu bé Ganita Munda (17 tuổi) không thể nào quên được tiếng hét thất thanh của gia đình khi nhóm người săn phù thủy xông vào nhà cậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN