Phận “vợ nước” ở Ấn Độ

Tại nhiều khu vực bị khan hiếm nguồn nước trên thế giới, người phụ nữ nghiễm nhiên phải “cõng” lấy gánh nặng đi lấy nước về cho gia đình mỗi ngày. Ở vùng nông thôn Ấn Độ, sự bất bình đẳng này thậm chí còn vượt quá ngưỡng tưởng tượng.

“Vợ nước” là người đảm đương việc lấy nước sinh hoạt cho cả gia đình.


Tại các ngôi làng bị hạn hán nặng nề như Denanmal, cách thành phố Mumbai khoảng 150 km, 8 tháng liền không có lấy một trận mưa. Bởi vậy đàn ông ở đây thường lấy thêm vợ hai, thậm chí vợ ba nhưng lại không hề sinh con đẻ cái với họ mà chỉ có một mục đích duy nhất là có thêm người đi xách nước về nhà. Người vợ này được gọi là paaniwaali bais (vợ nước) - người lo toan nguồn nước sinh hoạt cho một gia đình.

Trong khi các ông chồng bận rộn việc đồng áng và chăn gia súc thì các bà vợ ở nhà nấu nướng, chăm con cũng như phải đi bộ nhiều km và đội trên đầu những thùng nước lớn mang về nhà. Đều đặn hàng ngày, một người “vợ nước” phải đội khoảng 100 lít nước. Họ phải đi lấy nước nhiều chuyến trong ngày, nếu trời quá nắng, họ sẽ đi lấy nước vào buổi tối. Hình ảnh những người phụ nữ đội thùng nước lớn trên đầu và đi dưới cái nắng hừng hực hơn 400C không còn lạ lẫm gì tại đây.

Theo chu trình 5 ngày/lần, sẽ có một xe bồn chở nước tới một điểm cách Denanmal khoảng 3 km và lượng nước ít ỏi đó sẽ không chờ đợi người chậm chân. Vì ai lấy được nhiều nước hơn sẽ đỡ phải di chuyển nhiều lần nên xung quanh xe nước thường xảy ra cảnh tranh giành nảy lửa giữa những người vợ.

Tìm được một người phụ nữ sẵn sàng nhận gánh nặng của “vợ nước” không phải chuyện dễ. Ở Ấn Độ, không cha mẹ nào muốn gả con gái cho một người ở vùng bị khô hạn trầm trọng, nhất là khi họ đã quen sống ở nơi có nguồn nước dồi dào. Một người đàn ông sống ở vùng hạn chỉ có thể lấy vợ cùng sống trong cảnh thiếu nước giống anh ta, bởi lẽ họ có thể thấu hiểu nỗi khổ sở này và sẽ cố gắng mang nước về cho gia đình. Thế nhưng không phải cô gái trẻ nào cũng chấp nhận việc làm vợ lẽ mà lại bị ràng buộc về trách nhiệm nhiều như vậy. Thường thì chỉ những người bị chồng bỏ hoặc góa phụ mới chấp nhận cuộc đời làm “vợ nước”: không có quyền như vợ cả, không được chia phần tài sản cũng như không được ngủ chung giường với chồng. Đổi lại, họ sẽ có một mái ấm thứ hai.

Số người tử vong trong đợt nắng nóng diện rộng tại Ấn Độ gần đây, khi nhiệt độ chạm ngưỡng 500C, đã lên đến gần 2.000 người. Tình trạng nắng nóng kéo dài thường xuyên diễn ra hàng năm tại nhiều vùng ở Ấn Độ, khiến hàng trăm người chết, chủ yếu là người nghèo.

Như nhiều người đàn ông khác ở Denganmal, ông Sakharam Bhagat, 66 tuổi, có ba người vợ. Ban ngày, ông Bhagat làm việc trên đồng, tối đi đánh cá. Ông có 6 đứa con với người vợ cả, còn lại không sinh con với Sakhri (vợ hai) và Bhaagi (vợ ba). Trước đây Sakhri có thể mang về nhà 100 lít mỗi ngày nhưng khi bà có tuổi, việc đi xa và gánh nặng đã trở nên khó khăn. Do đó, Bhagat đã lấy thêm Bhaagi, vốn là một góa phụ 26 tuổi, để tiếp tục đảm đương việc lấy nước cho gia đình đông người này.

Việc ngày nào cũng phải mang vác nặng trên đầu bất kể thời gian hay thời tiết sẽ gây hại đến sức khỏe của những người “vợ nước”. Họ phải “làm bạn” với tình trạng hói đầu, những cơn đau vai gáy và chóng mặt dữ dội.

Những người phụ nữ ở Denganmal mong chính phủ sớm đặt các đường ống dẫn nước tới làng của họ để cuộc sống của con gái họ sau này đỡ khổ hơn. Một người “vợ nước” chia sẻ: “Chúng tôi đã chán cảnh đi lấy nước lắm rồi”.

Hoàng Trang (theo O.C)
Ấn Độ cấm bán mỳ ăn liền của Nestle
Ấn Độ cấm bán mỳ ăn liền của Nestle

Cục tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ đã ra thông báo cấm sản xuất và kinh doanh mỳ ăn liền Maggi của Nestle sau khi phát hiện sản phẩm này chứa hàm lượng chì cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN