Những người lạ và cái ôm tiếp sức mạnh

Nhờ có các tình nguyện viên mà những đứa trẻ tại khoa hồi sức nhi sơ sinh có được giấc ngủ ngon khi các y tá quá bận bịu còn bố mẹ các bé không thể trực tiếp thăm nom.

Chỉ một tiếng khóc nhỏ cũng là dấu hiệu cho biết đã tới giờ làm việc. Lúc này, các điều dưỡng viên tình nguyện sẽ khoác chiếc áo cách ly rồi tiến tới nôi và bế những đứa bé vào lòng. Họ gọi đây là “giờ chơi với trẻ”.

Một điều dưỡng viên nhẹ nhàng đặt trẻ sơ sinh vào nôi.


Thực chất, đây chính là khung cảnh trong giờ “âu yếm” trẻ ở phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Comer của trường Đại học Chicago. Tại đây, cũng giống như nhiều bệnh viện khác ở Mỹ, những người lạ mặt luôn sẵn sàng “dang tay” cung cấp một dịch vụ tuy giản đơn nhưng lại vô cùng ý nghĩa, giúp những đứa trẻ quá yếu hay sinh non có thể sớm được về nhà.

Môi trường làm việc của các phòng dưỡng nhi rất ồn ào và căng thẳng. Có những đứa trẻ sinh thiếu tháng, mắc khuyết tật bẩm sinh hay các bệnh sau sinh khác. Một số bé còn quá yếu để được bế, nhưng rất may chúng vẫn có thể được ôm ấp, cưng nựng. Khi ấy, các tình nguyện viên chạm nhẹ các ngón tay, vuốt ve những sinh linh bé bỏng đang nằm trong lồng ấp.

Kathleen Jones (52 tuổi), một điều dưỡng viên ở Comer chia sẻ: “Bạn thấy đấy, chúng đã thôi khóc, nhịp tim đã trở lại bình thường và không còn nhăn nhó cau có nữa. Chúng đang đấu tranh rất nhiều khi phải trải qua tất cả những chấn thương cũng như quá trình điều trị vất vả này. Tôi rất thương các bé”.

Cũng tại Comer, trong số các điều dưỡng viên còn có ông Frank Dertz một người thợ mộc 74 tuổi đã nghỉ hưu, con gái ông là một y tá tại đây đã giới thiệu ông tham gia chương trình này. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ mình như được ban phước vậy. Tôi còn cảm thấy yên bình hơn cả lũ trẻ”.

Bà Kathleen Jones cũng cảm thấy điều tương tự. Bà tham gia chương trình chăm sóc này của Comer vào năm 2012, khi đã có 3 con gái và 2 cô cháu ngoại xinh xắn. Bà làm ở bệnh viện vài buổi chiều trong tuần và thi thoảng làm cả ca đêm.

Bà nói: “Họ bảo trông tôi như đang yêu khi tới đây, nhưng mà sao tôi có thể không vui cho được khi bế trên tay những cô cậu kháu khỉnh này chứ”.

Tình cảm của bà dường như được thổ lộ khi bà đang ẵm trên tay đứa con của một người không quen biết và bàn tay bé nhỏ của cô bé thì nắm chặt lấy ngón tay bà. Bà thốt lên: “Ôi, ta muốn mang con về nhà quá đi mất! Con sẽ là một cô gái mạnh mẽ đây, phải không nào?”.

Các tình nguyện viên đang được hướng dẫn cách thay tã.


Trong khi đó, ở một bệnh viện khác tại thành phố Rochester, có một điều dưỡng viên từng là một trẻ sinh non ở chính nơi này nhiều năm về trước. Anh nói muốn quay lại và tỏ lòng biết ơn với những con người ở cơ sở y tế này.

Hay như Nancy Salcido, người đã tham gia chương trình này được 1 năm, nhận thấy 3 giờ làm việc tại đây giúp cho bà có sự chuẩn bị tốt hơn nếu sau này 2 cô con gái của bà sinh em bé và bà phải ở nhà trông cháu.

Bà bộc bạch: “Tôi chỉ bế và trò chuyện với chúng, kể cho chúng nghe về một ngày của mình, hay dành cho chúng những lời động viên, cưng nựng. Một y tá đã gọi tôi với cái tên “người thì thầm với trẻ”.


Có thể thấy, gần như tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể trở thành điều dưỡng viên. Tất nhiên, trước đó, họ đều được kiểm tra nhân thân và phải trải qua quá trình đào tạo bài bản. Việc đào tạo bao gồm bài học về cách thay tã cho trẻ sao cho chặt vừa phải để trẻ cảm thấy an toàn, cách mát xa quanh các tĩnh mạch, cũng như những hướng dẫn vệ sinh bao gồm việc rửa tay thường xuyên...

Bà Kathleen Jonest nắm tay trẻ sơ sinh một cách trìu mến.


Minh chứng khoa học cho thấy việc âu yếm đem lại rất nhiều lợi ích. Trong một nghiên cứu, việc nhẹ nhàng vuốt ve hay đặt tay lên trẻ sinh non có tác dụng làm giảm các hormone gây căng thẳng. Một vài nghiên cứu khác gần đây cũng nhận định, việc tiếp xúc da thịt có thể hỗ trợ nhịp tim và giấc ngủ, thậm chí còn có thể rút ngắn thời gian nằm viện của các bé.

Tiến sĩ Jerry Schwartz tại Trung tâm Y tế Torrance cho biết, các trải nghiệm tiêu cực đầu đời, bao gồm các cơn đau, căng thẳng hay việc bị cách ly, có thể gây tổn hại tới sự phát triển não bộ của trẻ. Trong khi đó, các nghiên cứu trên động vật cho thấy, sự tương tác tích cực giúp não bộ phát triển tốt hơn.

Ông cho biết: “Nó có hiệu quả rõ rệt. Khi mẹ của bé không ở đó, còn y tá thì bận bịu với những đứa trẻ khác, việc phải nằm khóc một mình thực sự là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào đối với các bé. Nhưng may thay, chúng ta đã có các điều dưỡng viên tình nguyện.”


Ngân Anh (Theo AP)
Giảm tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh nhờ di động giá rẻ
Giảm tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh nhờ di động giá rẻ

Ấn Độ - một trong những nước có tỉ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong cao nhất thế giới - đang tận dụng điện thoại di động giá rẻ nhằm thay đổi tình trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN