Những chiến sĩ ông già của nền kinh tế Đức

62 tuổi, đã nghỉ hưu, nhưng kỹ sư Emil Kniel quê ở Rastatt (tây nam Đức) vẫn đều đặn đi làm, nhận lương hưu và được thêm lương thưởng. Bộ phận quản lý những người như ông cũng có một cái tên thật oách: “Cao bồi không gian”.


Ông Kniel trở lại làm việc. Ảnh: AFP/TTXVN


Lấy cảm hứng từ bộ phim năm 2000 của Hollywood “Những chàng cao bồi không gian” kể về chuyến thám hiểm của những nhà du hành vũ trụ đã nghỉ hưu quay trở lại làm việc, nhà sản xuất xe của Đức Daimler đã có sáng kiến lập ra cơ chế làm việc của các chiến sĩ ông già dưới cái tên “cao bồi không gian”, quy tụ khoảng 600 người đã nghỉ hưu quay trở lại tiếp tục làm việc cho tập đoàn theo nguyện vọng cá nhân.

Năm 1992, cùng với những người khác, ông Kniel đã góp công xây dựng nhà máy Rastatt nằm gần biên giới giáp ranh với Pháp và được tuyển dụng làm việc tại đây trong hơn 20 năm. Vẫn chưa hết tự hào vì vượt qua kì thi tuyển với số bao danh 430, người đàn ông đã dành phần lớn cuộc đời làm việc tại Daimler thú nhận: “Nghỉ hưu từ ngày này sang ngày khác quả không dễ dàng”.

Với nhiều người đến tuổi nghỉ hưu, khoảng thời gian làm quen với việc không đi làm là một thời kỳ khó khăn. Thế cho nên, vừa “về vườn” từ tháng 4, lão tướng già còn nhiệt huyết đã trở lại làm việc chỉ một tháng sau đó. “Tôi làm việc ba ngày một tuần… Đây là một sự chuyển tiếp lý tưởng… và là tình thế đôi bên cùng có lợi”, ông chia sẻ.

Trở lại với công việc, những “bố già” của Daimler gắn với những nhiệm vụ ở các khu vực như sản phẩm, nghiên cứu, phát triển hoặc thông tin trong những khoảng thời gian kéo dài từ 6 – 9 tháng.

Tại Rastatt, ông Kniel quản lý một đội có nhiệm vụ chuyển đổi công xưởng theo nhu cầu ngồi của lực lượng lao động đang già hóa. Cộng tác cùng một sinh viên 23 tuổi trong việc nghiên cứu hệ thống trên, ông Kniel cho hay chính sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, người già và người trẻ, kinh nghiệm và nhiệt huyết tạo nên thành quả.

Đúng như chia sẻ của ông Kniel, sự trở lại của các lão tướng như ông là cách để Daimler đào tạo các thế hệ kế cận. “Một trong những mục đích cốt lõi của sáng kiến này là để chuyển giao kĩ năng cho thế hệ trẻ nhằm giữ họ ở lại công ty”, Christina Joos của phòng nhân sự công ty Daimler tiết lộ.

Tập đoàn Daimler đã xây dựng một đội ngũ hàng trăm “chuyên gia cấp cao” và lực lượng này đã đảm nhiệm 260 nhiệm vụ khác nhau kể từ khi sáng kiến được áp dụng vào năm 2013.

Tại Đức, Daimler không phải là công ty duy sử dụng cơ chế này. Nhà sản xuất các bộ phận xe hơi và sản phẩm điện gia dụng Bosch là một trong những công ty tiên phong, thiết lập cơ chế này từ năm 1999 với đội ngũ khoảng 1.600 chuyên gia sẵn sàng được phái đi khắp nước Đức hoặc thậm chí các khu vực xa hơn, theo đội hình đơn lẻ hay theo đồng đội.


Trong khi đó, tập đoàn Otto của Đức cũng cho rằng, việc tham gia vào lực lượng lao động của những người về hưu không gây ảnh hưởng đến những người khác. “Những người nghỉ hưu không cướp công việc của ai… Đây là những dự án có thời gian nhất định, có yêu cầu kiến thức chuyên môn nhất định. Trong nhiều trường hợp, không ai khác trong hay ngoài công ty có kiến thức đó”, người phát ngôn của Otto bà Jennifer Buchholz nói.

Cũng theo bà Buchholz, lương hưu được tăng lên không phải là “động lực duy nhất” của cơ chế này. Bà cho rằng, việc khiến những người già cảm thấy có ích cũng như có thể truyền đạt kĩ năng cho lớp trẻ cũng là điều quan trọng không kém.

Tuy nhiên, tại nền kinh tế dẫn đầu châu Âu, vẫn có những ý kiến không thật sự tán thành cách làm này. Ông Roman Zitzelsberger từ công ty IG Metall cho rằng biện pháp này sẽ không phổ biến rộng khắp và chắc chắn sẽ không bù đắp được tình trạng thiếu công nhân tay nghề cao trong tương lai. Tại Đức, tình trạng dân số già đi một cách nhanh chóng và tỉ lệ sinh thấp đang dần làm suy yếu lực lượng lao động có tay nghề. Theo dự báo, đến năm 2020, Đức sẽ thiếu khoảng 1,8 triệu lao động có chất lượng.

Tại quốc gia châu Âu này, con số những người ở độ tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc đang tiếp tục tăng lên. Năm 2014, số người trong độ tuổi từ 64 – 69 vẫn đang làm việc ở mức 14%, tăng từ mức 6% trong năm 2005.


Anh Tiếu (Theo AFP)
Đức cảnh báo 30% người di cư giả mạo công dân Syria
Đức cảnh báo 30% người di cư giả mạo công dân Syria

Ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết ước tính có đến 30% người di cư đến châu Âu đang giả mạo là công dân Syria để được tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục nhập cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN