Có thể không thể làm sống dậy thời kỳ hoàng kim hoạt động buôn bán trầm vốn sầm uất một thời ở Hồng Công, song ít nhất thương nhân Chan Koon –wing cũng hy vọng có thể cứu được loài cây từng mang lại tên tuổi cho thành phố này trong nhiều thế kỷ qua.
Ông Chan Koon –wing bên cạnh vườn ươm trầm ở làng Shing Ping, Hồng Công. |
Sau nhiều năm làm con nuôi ở Bắc Aixlen, cách đây 4 năm, ông Chan đã trở lại Trung Quốc để tiếp tục duy trì vườn ươm trầm ở ngôi làng Shing Ping, phía bắc Hồng Công.
Đứng cạnh vườn ươm trầm rộng lớn và thơm ngát, ông cho biết: “Nếu không tiếp tục công việc trồng trầm, tôi sợ rằng chúng tôi sẽ mất đi loài cây này vì nạn khai thác trái phép diễn ra tràn lan”.
Những cây trầm có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc một thời từng là nguyên liệu dồi dào để sản xuất những nén hương thơm và được xuất khẩu tới tận bán đảo Arập xa xôi.
Một chuyên gia trầm ở Hồng Công cho biết buôn bán trầm ở đây đã được thịnh hành từ hàng trăm năm trước, đặc biệt là ở thời nhà Tống và những năm cuối nhà Minh (1368 - 1644).
Tuy nhiên, kể từ khi hòn đảo này trở thành trung tâm thương mại và tài chính vào những năm 1980, những cây trầm một thời được coi là trụ cột kinh tế đã được thay thế bằng những văn phòng và các tòa nhà cho thuê. Trang trại trầm mà người bà để lại cho ông Chan hiện là khu ươm cây trầm duy nhất còn sót lại ở thành phố cảng này.
Những cây trầm hương có giá trị nhất chính là những cây bị bóc vỏ hoặc bị sâu. Để sinh tồn chúng đã sản sinh ra một loại nhựa đen và khi đốt chúng tỏa ra một mùi thơm hết sức đặc biệt.
Các tài liệu cổ của người châu Á, bao gồm cả sách tiếng Phạn cổ của người Hindu cách đây hàng ngàn năm, có đề cập đến tín ngưỡng và văn hóa sử dụng cây trầm.
Được biết đến như là thần tiên, nhựa cây này được xem là rất có giá trị trong các bài thuốc truyền thống của người Trung Quốc chuyên dùng để trị các loại bệnh từ mệt mỏi thông thường đến ung thư.
Nhựa cây này lúc được giá có thể lên tới hơn 10.000 đô la Hồng Công (khoảng 26 triệu VND)/gram, và chính vì lợi nhuận lớn như vậy đã dẫn đến nạn khai thác tràn lan.
Ông Peter Li, Giám đốc trung tâm bảo tồn loài cây này cho biết: “Một số người cho rằng cây trầm đắt hơn cả vàng chính vì công năng chữa bệnh của chúng”. Loài cây này đã được đưa vào danh sách loài cây quý hiếm và thuộc diện hạn chế buôn bán.
Các nhà bảo vệ thiên nhiên cho rằng Hồng Công đã đạt được những thành tích lớn trong việc bảo vệ loài cây này hơn là Trung Quốc Đại lục, nơi thường xuyên diễn ra nạn khai thác trái phép.
Phòng Bảo tồn thiên nhiên, nông nghiệp và nghề cá của Hồng Công cho biết: “Ngày càng có nhiều báo cáo về việc tàn phá những cây trầm trưởng thành”. Phòng này cũng cho biết do sản phẩm này trên thị trường quá đắt nên nạn khai thác trái phép loài cây này diễn ra phổ biến ở các khu vực phía nam của Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Công.
Tuy nhiên, ông Chan đang hy vọng sẽ có nhiều người trồng loại cây này để làm sống lại nghề buôn bán trầm từng làm nên tên tuổi của thành phố này.
L.H (theo AFP)