Người đầu tiên lên Mặt Trăng qua đời

Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng với tuyên bố “bước chân nhỏ bé của một người, nhưng là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”, đã qua đời hôm 25/8 ở tuổi 82. Thông báo của gia đình Armstrong cho biết, cựu phi hành gia người Mỹ qua đời do biến chứng sau ca phẫu thuật tim hồi đầu tháng 8/2012.

 

Neil Armstrong và “bước chân nhỏ bé” đại diện cho “bước tiến lớn” của loài người.

 

Armstrong sinh ngày 5/8/1930 trong một nông trang ở Ohio. Lần đầu tiên ông được trải nghiệm một chuyến bay là lúc 6 tuổi. Với mơ ước chinh phục bầu trời luôn cháy bỏng trong lòng, Armstrong tự chế tạo các máy bay mô hình và tiến hành những thử nghiệm trong hầm gió “tại gia” của mình. Ông được cấp phép điều khiển máy bay vào năm 16 tuổi, trước cả khi có bằng lái ô tô.


Neil Armstrong theo học tại Đại học Purdue, nghiên cứu ngành cơ khí hàng không, nhưng phải bỏ ngang khi được gọi nhập ngũ vào năm 1949. Biên chế trong lực lượng Hải quân Mỹ, phi công Armstrong đã thực hiện 78 sứ mạng chiến đấu tại bán đảo Triều Tiên. Sau chiến tranh, ông hoàn thành nốt khóa học và giành được bằng cử nhân về cơ khí hàng không của Đại học Nam California. Armstrong trở thành phi công lái thử của NASA và tham gia thử nghiệm trên 200 loại máy bay đủ loại, từ tàu lượn cho đến phản lực.


Năm 1962, Armstrong được tham gia lớp đào tạo phi hành gia khóa 2 của NASA. 4 năm sau, phi hành gia 32 tuổi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của mình trên con tàu Gemini 8. Chuyến bay này đã mở đường cho sứ mạng quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông và trong lịch sử ngành khoa học vũ trụ Mỹ.


Hành trình mang sứ mạng lịch sử đã bắt đầu lúc 9 giờ 32 phút ngày 16/7/1969. Sau tiếng gầm rú và nổ vang trời, tàu Apollo 11 lao vào vũ trụ cùng với hệ thống tên lửa Saturn V đồ sộ nặng tới 2.900 tấn. Sau ba ngày, hai giờ và 58 phút, đúng 5 giờ 30 chiều ngày 19/7, tàu Apollo đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng và thực hiện 30 vòng bay. Đúng 8 giờ 17 tối ngày 20/7 (theo giờ quốc tế UTC), con tàu mang theo ba nhà du hành Neil Armstrong, Edwin ‘Buzz’ Aldrin và Michael Collins đổ bộ xuống Mặt Trăng với một thông điệp quan trọng về Trái Đất: “Đại bàng đã hạ cánh”.


2 giờ 56 phút sáng ngày 21/7/1969, Armstrong rời bậc thang cuối cùng, đặt dấu chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng, và phát đi câu nói nổi tiếng: “Đây là một bước chân nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”. 21 phút sau, Aldrin cũng ra khỏi tàu, đặt chân xuống vùng đất mới, trong khi Michael Collins ở lại tàu trong một phương án an toàn và để chuẩn bị cho cuộc trở về.


Ước tính 600 triệu người, chiếm 1/5 dân số thế giới vào thời điểm đó, đã theo dõi sự kiện tàu Apollo 11 chinh phục Mặt Trăng, một sự kiện thu hút đông khán giả nhất trong lịch sử thế giới. Cái tên Neil Armstrong cũng mãi mãi đi vào lịch sử với vai trò là phi hành gia chỉ huy sứ mạng đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.


Sự kiện Apollo 11 đã đánh dấu “chiến thắng” của Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vào vũ trụ với Liên Xô, bắt đầu từ ngày 4/10/1957 khi Mátxcơva phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Việc tàu Apollo 11 đổ bộ thành công xuống Mặt Trăng cũng đáp ứng hạn chót táo bạo mà Tổng thống John F. Kennedy đặt ra vào tháng 5/1961, sau khi Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ với chuyến bay nửa vòng quỹ đạo trong 15 phút. Mục tiêu “cuối thập niên 1970” được đáp ứng trước 5 tháng, nhưng để bước vào sứ mạng lịch sử này, các nhà du hành vũ trụ đã phải chấp nhận những rủi ro vô cùng lớn.


Trước khi tàu Apollo 11 cất cánh, nhiều người đã nghĩ tới tình huống xấu nhất trong chuyến đi của ba nhà du hành. Một trong những chuyên gia viết diễn văn cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon thậm chí còn chuẩn bị sẵn bài phát biểu với tựa đề: “Thảm họa Mặt Trăng”. Bài phát biểu bắt đầu bằng câu: “Số phận đã quyết định rằng những người thám hiểm Mặt Trăng yên nghỉ vĩnh viễn trên đó trong thanh bình”. Theo kế hoạch, nếu nỗ lực rời khỏi Mặt Trăng thất bại, trung tâm điều khiển dưới mặt đất sẽ cắt đứt mọi liên lạc với khoang đổ bộ và phó mặc mạng sống của hai phi hành gia. Nhưng cả ba phi hành gia đã trở về Trái Đất an toàn, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại về chinh phục vũ trụ.

 

Vị anh hùng ẩn dật


Mặc dù từng là một phi công chiến đấu của hải quân, rồi phi công thử nghiệm cho các chương trình tiên phong của NASA và là một trong những phi hành gia nổi tiếng nhất thế giới, Armstrong chưa bao giờ cho phép mình mắc kẹt trong vầng hào quang nổi tiếng. "Tôi hiện là và mãi mãi vẫn chỉ là một người kỹ sư miệt mài với công việc", Armstrong tự nhận xét về mình trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng vào tháng 2/2000.


Nhà sử học Douglas Brinkley (thuộc Đại học Rice), người từng phỏng vấn Armstrong, cho rằng nhân vật này hoàn toàn phù hợp với mọi đòi hỏi của NASA về những phẩm chất cần thiết cho người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, về cả tài năng và đạo đức. “Tôi nghĩ thiên tài của Armstrong nằm trong sự ẩn dật của ông. Ông ấy là vị anh hùng cuối cùng của một kỷ nguyên của những con người dễ bị mua chuộc”, Brinkley nhận xét.


Khi xuất hiện tại Dayton, bang Ohio vào năm 2003, dự lễ kỷ niệm 100 năm chuyến bay đầu tiên của thế giới, trước 10.000 người khán giả, Armstrong chỉ phát biểu ngắn gọn trong vài giây, không hề nhắc tới chương trình Mặt Trăng và nhanh chóng rời khỏi ánh đèn sân khấu. Sau nhiều năm tránh xa các ống kính, tới năm 2010, ông mới xuất hiện trở lại trước công chúng với những lo ngại về chính sách vũ trụ của Tổng thống Barack Obama khi nhà lãnh đạo Mỹ không đầu tư cho một cuộc trở lại Mặt Trăng mà lại dành “đất” cho các tàu vũ trụ do tư nhân phát triển.


Trong nhiều năm cuối đời, Armstrong lui về ẩn dật trong trang trại của ông ở Ohio. Trong cuốn “Men from Earth” (Người từ Trái Đất), Buzz Aldrin, nhà du hành cùng đi trên tàu Apollo 11, đã gọi Armstrong là “một trong những người kín đáo và trầm lặng nhất” mà ông từng biết.


Phát biểu sau khi nghe tin Neil Armstrong qua đời, Giám đốc NASA, Charles Bolden nói: “Chừng nào còn tồn tại những cuốn sách lịch sử, thì Neil Armstrong sẽ còn xuất hiện trên đó để nhắc chúng ta nhớ về bước chân nhỏ bé đầu tiên của con người lên một thế giới bên ngoài Trái Đất”. Trong một tuyên bố từ Nhà Trắng vào ngày 25/8, Tổng thống Obama cũng gọi Armstrong là một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất của nước Mỹ, “không chỉ ở thời đại của ông, mà ở mọi thời đại”.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN