Theo trang Oddity Central (Anh), ngôi làng hẻo lánh Kothilawa nằm sâu trong dãy núi thuộc huyện Gaya, bang Bihar luôn thiếu nước do phần lớn nước mưa đổ xuống những ngọn đồi gần đó chảy ra sông thay vì đổ về làng. Đây là một trong những lý do khiến một số cư dân quyết định chuyển đi và bắt đầu cuộc sống mới, nhưng ông Laungi Bhuiyan, một dân làng đã nghỉ hưu, vẫn quyết định ở lại để khắc phục sự cố thay vì rời làng.
Cách đây 30 năm, người đàn ông này quyết định tự mình giải quyết vấn đề bằng cách đào con kênh dẫn nước từ những ngọn đồi gần đó về ao làng. Không đề nghị mọi người giúp đỡ, ông bắt đầu kế hoạch tự mình đào kênh rộng 1,2 mét, sâu 1 mét chỉ bằng những vật dụng thô sơ có sẵn.
“Tôi đã mất 3 thập kỷ để đào con kênh dẫn nước. Trong 30 năm qua, tôi chuyển đến khu rừng gần đó để vừa chăn gia súc vừa đào kênh. Không ai tham gia cùng tôi trong nỗ lực giải quyết vấn đề này. Nhiều người đã bỏ làng lên thành phố kiếm kế sinh nhai nhưng tôi vẫn muốn ở lại nơi này”, ông Bhuiyan nói.
Nằm cách trung tâm huyện Gaya khoảng 80 km, bao quanh làng Kothilawa là những khu rừng rậm và núi non heo hút. Vào mùa mưa, nước từ trên núi thường chảy thẳng xuống con sông gần đó. Nhưng từ khi ông Bhuiyan hoàn thành con kênh dài 3km, lượng nước trong khu vục đã được cải thiện. Theo con kênh, nước được dẫn về ao làng và tạo điều kiện cho người dân địa phương chăn nuôi, thậm chí tưới tiêu cho cây trồng mà không lo thiếu nước.
“Ông Bhuiyan đã kiên trì tự đào con kênh trong suốt 30 năm qua. Điều này đã mang lại lợi ích lớn cho động vật và tưới tiêu cho các cánh đồng địa phương. Ông ấy không làm điều đó vì lợi ích của riêng mình mà vì toàn bộ dân làng”, anh Patti Manjhi, một dân làng cho biết.
“Rất nhiều người sẽ được hưởng lợi ở đây. Mọi người đang dần biết đến ông ấy vì những cống hiến này”, cô Ram Vilas Singh, một giáo viên địa phương, nói thêm.
Kể từ khi nỗ lực cống hiến của ông Bhuiyan lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, ông đã được mọi người đặt biệt danh là người hùng kênh đào.
Một người dùng Twitter đã đăng câu chuyện đáng kinh ngạc này và gắn thẻ tỉ phú Ấn Độ Anand Mahindra, kêu gọi tỉ phú ủng hộ "người hùng của Kothilawa" bằng cách tặng ông Bhuiyan một chiếc máy kéo.
“Tôi đã trả lời rằng tôi nghĩ kênh đào của ông Laungi Bhuiyan là một tượng đài ấn tượng, giống như đền Taj Mahal của Ấn Độ hay Kim Tự tháp của Ai Cập. Tập đoàn Mahindra sẽ cảm thấy rất vinh dự nếu như ông Bhuiyan sử dụng máy kéo của chúng tôi”, vị tỉ phú Anand Mahindra nói.
Trong khi nhiều người đã ca ngợi ông Laungi Bhuiyan vì sự kiên trì của ông, những người khác lại dùng câu chuyện của người đàn ông này để chỉ trích các nhà chức trách Ấn Độ. Một số người nói rằng nếu chính phủ hoàn thành tốt công việc mà họ phải làm thì người đàn ông làng Kothilawa sẽ không phải vất vả trong nhiều thập kỷ, và người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ kênh nước sớm hơn nhiều. Nhiều người khác đề nghị rằng công việc của ông Laungi Bhuiyan cần được công nhận và ông xứng đáng được bồi thường theo các chế độ thích hợp.
Câu chuyện của ông Laungi Bhuiyan cũng khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện phi thường của những người dân nhỏ bé, như Hoàng Đại Pháp, người xẻ ba ngọn núi trong 36 năm để mang nước đến làng của mình, hay Jalandhar Nayak, người cha đào 8km xuyên núi mở đường cho con đến trường.