Đối với người dân sống trong các khu ổ chuột ở thủ đô Nairôbi của Kênia, chỉ có một hoặc hai cách để giải quyết “nỗi buồn”. Một là vào nhà vệ sinh tập thể, hai là dùng nhà vệ sinh “bay”.
Một nhà vệ sinh trong chương trình Sanergy. Ảnh: Internet |
Nhà vệ sinh tập thể thực ra chỉ là một cái lều lụp xụp dựng tạm trên một cái hố đào trên mặt đất. Còn nhà vệ sinh “bay” nghĩa là bạn “giải quyết” vào một cái túi ni lông rồi ném cả túi ra ngoài đường.
Theo một báo cáo năm 2011 của Tổ chức Bill and Melinda Gates, hai kiểu nhà vệ sinh nói trên ở Kênia khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và dịch bệnh như thương hàn hay lao lan truyền mạnh.
Gần đây, anh David Auerbach, một sinh viên mới tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã nhìn thấy ở hệ thống nhà vệ sinh sơ khai này một cơ hội kinh doanh mà anh cho rằng một ngày sẽ mang về hàng triệu USD.
Cùng với một nhóm cựu sinh viên MIT và các đối tác người Kênia, Auerbach đã thành lập chương trình Sanergy nhằm kinh doanh từ việc làm sạch môi trường vệ sinh ở Nairôbi. Chương trình thu gom chất thải của con người trong hàng loạt nhà vệ sinh mới xây rồi biến thành các sản phẩm phân bón phục vụ ngành nông nghiệp trong vùng.
Auerbach phân tích: “Chỉ ở Kênia đã có 10 triệu người sống trong các khu ổ chuột, trong đó 8 triệu người không có được một nhà vệ sinh sạch sẽ. Với dịch vụ nhà vệ sinh này, chúng tôi tin rằng sẽ có tiềm năng lớn để hoạt động một ngành kinh doanh xã hội có lợi nhuận. Trong nông nghiệp, ngành kinh doanh phân bón riêng ở Đông Phi đã có giá trị tới 500 tỷ USD”.
Theo mô hình Sanergy, đầu tiên, người ta sẽ lắp đặt một mạng lưới trung tâm vệ sinh chi phí thấp ở nhiều nơi trong khu ổ chuột để người dân có thể dùng nhà vệ sinh sạch sẽ. Những nhà vệ sinh này lưu chất thải trong các bồn chứa kín khí rồi sẽ được bán cho người thu gom địa phương với giá 500 USD/năm. Sau giai đoạn này, Sanergy sẽ tính phí cho các lần đi vệ sinh của người dân, tất nhiên là giá rẻ, chỉ tương đương 0,06 USD/lần. Số tiền này sẽ giúp Sanergy thu hồi vốn xây nhà vệ sinh.
Chất thải được xử lý và phân tách để chuyển hóa thành nhiều loại sản phẩm phân bón hữu cơ khác nhau và bán cho các nông trại. Auerbach cho hay: “Chúng tôi đang thu gom khoảng 3 tấn chất thải mỗi tuần và chúng đều được biến thành phân bón. Cuối năm nay, chúng tôi có thể xây tới 1.000 nhà vệ sinh”.
Không chỉ góp phần giải quyết vấn đề môi trường, Sanergy còn tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương và đã đạt thành công lớn. Ông Austin Beebe thuộc Tổ chức nghiên cứu và y tế châu Phi, nhận định: “Thành công của mô hình kinh doanh như Sanergy là nhờ tạo được cơ hội làm ăn cho người dân địa phương đồng thời mang đến dịch vụ vệ sinh sạch sẽ cho người dân trong khu nhà ổ chuột. Những dự án như vậy nên thuê người trong vùng làm và đây là một nguyên tắc phát triển tốt”.
Hiện Sanergy có 42 nhân viên làm các công việc như lĩnh vực thiết kế nhà vệ sinh, thu gom chất thải, điều hành và hoạt động nhà máy. Trong đó, có 34 người là người Kênia.
Auerbach cho biết đến cuối năm 2013, Sanergy còn có tham vọng thu gom đủ lượng chất thải để sản xuất năng lượng cho một máy phát điện sinh học rồi tiến tới bán điện cho mạng lưới điện quốc gia Kênia.
Auerbach nói với hãng CNN: “Chất thải của 100.000 người mới tạo ra khoảng 1 gigawatt điện. Hiện chúng tôi mới chỉ có 1.200 người sử dụng nhà vệ sinh hàng ngày nên chúng tôi chưa thể sản xuất điện ngay được. Điều này chúng tôi sẽ tính tới trong cuối năm nay hoặc năm sau”.
Thùy Dương