Ngay cả truyền thông Trung Quốc cũng đánh giá động thái của chính quyền tại tỉnh Giang Tây là "không phù hợp". Chính quyền các khu vực nông thôn tại tỉnh Giang Tây đã áp dụng chính sách “không chôn cất” từ cách đây 6 tháng, hướng tới mục tiêu hỏa táng là phương pháp duy nhất phù hợp trong chôn cất người qua đời nhằm tiết kiệm diện tích đất và hạn chế tổ chức tang lễ tốn kém.
Người dân khóc vì quan tài bị lấy đi. Ảnh: SCMP |
Chính quyền tại nhiều thành phố trong tỉnh đã đưa ra hạn chót là tháng 9 này sẽ chỉ tồn tại phương thức hỏa táng. Kể từ khi chính sách “không chôn cất” được áp dụng, việc sản xuất quan tài hoàn toàn bị cấm tại Giang Tây.
Nhiều hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội tại Trung Quốc trong những ngày 28-29/7 cho thấy lực lượng chức năng tiến vào các ngôi làng trên địa bàn tỉnh Giang Tây để tịch thu quan tài. Nhiều người cao tuổi đã cố gắng ngăn điều này bằng cách nằm vào bên trong quan tài nhưng họ lại bị lôi đi.
(Xem video dưới, nguồn: Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng).
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết chính quyền đã đề nghị mức giá 2.000 nhân dân tệ đền bù cho mỗi quan tài bị tịch thu. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận việc “bán lại” quan tài này.
Nhiều vùng nông thôn ở Trung Quốc có truyền thống làm quan tài đặt riêng và được cất giữ tại nhà với hy vọng đem lại may mắn và trường thọ cho gia chủ. Mỗi quan tài thường trị giá tới 5.000 nhân dân tệ hoặc hơn, vì vậy đây là một tài sản khá lớn đối với người nghèo.
Vào đầu tháng 7, Chủ tịch tỉnh Giang Tây Liu Qi đã rất tự tin và ca ngợi việc “cải tổ hình thức an táng” tại tỉnh này. Tuy nhiên, truyền thông trung ương Trung Quốc lại chỉ trích động thái này của chính quyền tỉnh Giang Tây.