Người Âu phẫn nộ vì bê bối “thịt ngựa giả bò”

Thị trường châu Âu tuần qua rúng động với vụ bê bối “thịt ngựa giả thịt bò” bị phanh phui ở một loạt nước thành viên, trong đó có Anh. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi những kiểm nghiệm mới đây cho thấy các sản phẩm “thịt bò” này còn chứa những chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Người tiêu dùng giận dữ


Vụ scandal “hô biến” thịt ngựa thành thịt bò bị phanh phui sau khi các nhà điều tra phát hiện trong các sản phẩm dán mác “100% thịt bò” có chứa... thịt ngựa. Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp, tổng cộng đã có khoảng 750 tấn thịt ngựa giả bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng chế biến thành khoảng 4,5 triệu đơn vị sản phẩm thịt đông lạnh để bán ở 13 nước châu Âu.


 

Vụ “treo đầu bò bán thịt ngựa” đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng ở châu Âu. Ảnh: Internet

 

Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) mới đây tuyên bố đã phát hiện có chất cấm trong thịt ngựa. FSA cho biết đã kiểm tra xác 206 con ngựa bị giết mổ ở Anh từ ngày 30/1 đến 7/2 và “trong số đó có 8 con ngựa nhiễm chất phenylbutazone”, một loại thuốc giảm đau, chống sốt ở động vật. Loại thuốc này từ lâu đã bị một số nước, trong đó có Mỹ và Anh, cấm sử dụng vì có thể gây hại cho người nếu bị nhiễm quá liều.


Thông tin trên đã khiến người tiêu dùng ở châu Âu thực sự “nổi xung”. Tại Anh, nước coi việc ăn thịt các loại động vật thân thiện với con người như ngựa, chó là “không văn minh”, có khoảng 1/3 số người được hỏi cho biết đã ngừng mua các loại thực phẩm chế biến sẵn. Trong khi đó, các nhà bán lẻ ở Anh, Thụy Điển, Pháp, Thụy Sỹ, Đức và Hà Lan đã loại bỏ hàng loạt sản phẩm như thịt băm viên, bánh hamburger kẹp thịt, thịt xay và đồ ăn nhanh lasagna vì lo ngại có thịt ngựa bên trong.
Trong một diễn biến mới nhất, Nestle, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, ngày 19/2 đã thu hồi các sản phẩm mì pasta chứa thịt bò tại Italia và Tây Ban Nha sau khi phát hiện có thịt ngựa trong các sản phẩm này. Người phát ngôn của Nestle cho biết công ty sẽ kiểm tra toàn bộ sản phẩm thịt bò của Nestle trên thị trường.


11 nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất Anh, bao gồm các siêu thị lớn như Tesco, Asda, Sainsbury, Co-operative, ngày 15/2 đã phải lên tiếng xin lỗi trước sự “giận dữ và phẫn nộ” của người tiêu dùng. Tại Đức, các chuỗi siêu thị như Real, Edeka cũng kiểm tra tất cả các sản phẩm xem có chứa thịt ngựa hay không. Các nước như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Áo... cũng có các hành động tương tự. Síp còn cho tiêu hủy 16 tấn thịt bò băm vì phát hiện đó là thịt ngựa giả mạo không rõ xuất xứ.

 

Nỗ lực lấy lại niềm tin


Có thể nói vụ bê bối “treo thịt bò bán thịt ngựa” là một cú sốc lớn đối với toàn bộ khu vực châu Âu, vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ các nước thành viên đang nỗ lực khắc phục hậu quả bằng cách loại bỏ các loại thịt giả danh đồng thời trừng phạt những kẻ bán thịt ngựa dán nhãn thịt bò hòng lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. EU đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN đối với tất cả các sản phẩm thịt để xác định có pha trộn thịt ngựa hay có chứa các chất độc nào hay không, nhằm giải tỏa lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm. Dự kiến sẽ có 2.250 mẫu thịt được mang đi xét nghiệm ADN và kết quả sẽ được báo cáo vào ngày 15/4 tới.


Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như việc lưu hành các sản phẩm thịt trên thị trường. Một kế hoạch hành động 10 điểm đã được các bộ trưởng liên quan ở cấp liên bang và bang của Đức thông qua, trong đó bao gồm các biện pháp như tăng cường hệ thống giám sát các công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, cũng như buộc mọi công ty phải chia sẻ thông tin với nhà chức trách. Các bộ trưởng cũng nhất trí xem xét một khung hình phạt để trừng trị các hành vi vi phạm. Chính quyền Đức khẳng định "sẽ làm mạnh tay hơn những gì EU đã làm".


Trên nhiều diễn đàn và phương tiện thông tin hàng đầu ở châu Âu, các chính trị gia ở cả Anh, Pháp, Rumani... đã phải lên tiếng trấn an dư luận. Tính đến nay, cảnh sát Anh bắt giữ 3 người đàn ông vì nghi ngờ vi phạm trong cuộc điều tra “thịt ngựa giả thịt bò”. Tại Pháp, các nhà điều tra cũng đưa công ty Spanghero ở thị trấn Castelnaudary gần Toulouse vào “tầm ngắm”.

 

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN