Nghề kinh doanh “tóc Thánh” ở Ấn Độ

Người mẹ của hai đứa con, chị Anandi Perumalswamy, 45 tuổi, đã thực hiện lời thề hiến tóc cho ngôi đền Tiruttani ở Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, đông nam Ấn Độ, ngay sau khi đứa con trai của chị lấy được vợ trong bối cảnh gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Thề hiến tóc là một tập tục, hay nói đúng hơn là hành vi mê tín của nhiều người Ấn theo đạo Hindu, đặc biệt là ở miền nam nước này.

Một phụ nữ đang thực hiện nghi lễ hiến tóc tại đền Tiruttani. Ảnh: Internet


Người Hindu ở Ấn Độ tin rằng, hiến tóc tại các ngôi đền thờ giúp xua đuổi bệnh tật và những gì không may mắn, mang lại cuộc sống sung túc hơn, sức khỏe được dồi dào, sinh con đẻ cái... Nhờ cái đức tin kỳ lạ này của những phụ nữ như Perumalswamy mà tóc đã trở thành sản phẩm xuất khẩu hái ra tiền không thua kém lĩnh vực chế tác kim cương béo bở ở Ấn Độ. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới từ lâu đã là nhà xuất khẩu tóc lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất hơn 500 tấn tóc (tương đương 1.400 kg/ngày), đạt doanh thu 8,5 tỉ rupee (gần 200 triệu USD).

Ở thập niên 1990, tóc giả với giá rẻ từng rất phổ biến trên thế giới, khiến ngành kinh doanh tóc ở Ấn Độ gặp khó khăn. Nhưng nay, khi tóc thật mới là thời thượng với các siêu sao và tầng lớp giàu có ở phương Tây và châu Á, tóc “made in India” rất được giá. Một kilôgam tóc Ấn Độ có giá trung bình 250 USD, trong khi 15 năm trước chỉ bán được 20 USD. Loại tóc đắt giá nhất gọi là “remy”, là tóc cạo sát da đầu, chiếm khoảng 25% thị phần. Còn lại là tóc “non-remy”, được cắt ngang sợi, bao gồm cả loại rẻ nhất được tuốt ra từ lược chải.

Tục lệ hiến tóc rất phổ biến ở miền nam Ấn Độ, đặc biệt là ở những ngôi đền như ở bang Tamil Nadu, nơi người dân, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, từ khắp mọi miền đất nước tìm đến để “xuống tóc”. Vào mỗi ngày lễ, có tới 1.000 người tiến hành nghi lễ này tại đền Tiruttani ở phía bắc Chennai.

Tuy nhiên, những người kinh doanh “tóc Thánh” vẫn lo ngại cho tương lai của nghề này bởi hơn ai hết, họ nhìn thấy rõ lối sống hiện đại đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống và văn hóa của người dân Ấn Độ. Chính vì vậy, họ đang mở rộng kinh doanh tóc sang những vùng rộng lớn khác của đất nước, cũng như sang các đối tượng thế tục. Ông George Cheria, Giám đốc điều hành Công ty Raj Hair ở Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, cho biết: “Đã có nhiều thay đổi khi số người trẻ hiến tóc giảm xuống. Những người tới hiến tóc thì thường chỉ cắt một nửa chiều dài mái tóc chứ không cạo trọc như trước”.

Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu không chỉ lệ thuộc vào “tóc Thánh” mà còn thành lập những công ty chuyên thu mua tóc từ các thương lái. Tại khu ổ chuột ở ngoại ô Chennai, những người thu mua chỉ cần đổi một chiếc lược hay vài cái kẹp tóc là lấy được một món tóc. Thậm chí, với những khách hàng thân thiết có thể chỉ là những món đồ chơi nhỏ. Tóc sau đó được đưa tới một nhà máy ở Chennai, được gỡ rối, làm sạch rồi cột thành búi trước khi bán cho các nhà xuất khẩu.

Tóc tự nhiên xuất xứ Ấn Độ được đưa tới nhiều nơi sang trọng trên thế giới. Tại một salon tóc ở thủ đô Luân Đôn (Anh), một bộ tóc nối tự nhiên gốc Ấn có thể có giá trên 3.000 USD và phải mất tới 4 giờ để hoàn thành. Tóc của người Ấn Độ được nhiều nước ưa chuộng hơn so với tóc của dân các nước châu Á khác hay châu Phi bởi độ bền và dễ nhuộm màu.

Tuy vậy, nghề kinh doanh tóc béo bở cũng dẫn đến những tệ nạn như “cướp” tóc, thường là nhằm vào các em nhỏ và phụ nữ. Cô Uma, 19 tuổi Uma, sống ở ngoại ô Chennai cho biết, cô đã bị một nhóm thanh niên tấn công và cạo trọc đầu để lấy tóc. “Tôi không phải là người duy nhất. Tôi biết nhiều phụ nữ khác bị đe dọa cướp tóc chỉ vì họ không chịu bán tóc, hoặc chồng không cho bán. Cảnh sát địa phương thì không quan tâm, họ chẳng làm gì để bảo vệ chúng tôi”, Uma nói.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN