Ngày Trái Đất - Xưa và nay

Ngày 22/4/1970, hàng triệu người đã xuống đường tuần hành nâng cao ý thức, kêu gọi người dân chú ý tới tình trạng ô nhiễm môi trường đất, không khí và nước ở Mỹ. Hiện nay, Ngày Trái Đất không chỉ là một sự kiện quốc gia mà đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, diễn ra không chỉ trong một ngày, mà trọn vẹn cả tuần. Tuy nhiên, ý nghĩa và tầm quan trọng không còn như xưa.

Bà Kathleen Rogers, chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái Đất, phát biểu với kênh NBC News: “Ngày Trái Đất bây giờ trở thành sự kiện phi tôn giáo lớn nhất thế giới. Chúng ta có hơn một tỷ người tham gia từ 192 quốc gia. Tôi cho rằng Ngày Trái Đất vẫn rất cần thiết”.

Một người dân nhặt lon bia và soda trên đường phố New Jersey, Mỹ vào Ngày Trái Đất đầu tiên năm 1970.


Từ khi mới ra đời, những lời kêu gọi hành động gắn liền với Ngày Trái Đất đã có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), tổng lượng 6 loại chất gây ô nhiễm không khí đã giảm hơn 60% kể từ năm 1980. Về nước, trước khi Đạo luật Nước sạch được thông qua năm 1972, Mỹ chỉ có 1/3 lượng nước đủ an toàn để bơi lội và nuôi cá. Hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng lên 2/3. Về đất, chương trình Superfund của EPA đã chi hàng chục tỷ USD từ năm 1980 để dọn các khu vực chất thải độc hại.

Tuy vậy, bà Rogers thừa nhận phong trào môi trường vẫn đối mặt với những thách thức lớn không kém thách thức ô nhiễm dẫn tới hình thành Ngày Trái Đất cách đây 45 năm. Chỉ khác ở chỗ là vấn đề môi trường ngày nay âm ỉ hơn và khó nhận thấy hơn, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào những năm 1970, việc xác định nguồn ô nhiễm và hành động giải quyết nguồn ô nhiễm dù tốn kém nhưng thực hiện tương đối đơn giản. Chính sách về môi trường là một vấn đề được lưỡng viện Mỹ đồng lòng. Chính Tổng thống Richard Nixon, một người phe Cộng hòa, đã thành lập EPA dưới sự ủng hộ của quốc hội do phe Dân chủ kiểm soát.

Thế nhưng, chính sách môi trường ngày nay lại có tính chất đảng phái dữ dội. Một phần là do các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả kinh tế trên diện rộng. Mới tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Khoa học của Hạ viện Mỹ Lamar Smith (phe Cộng hòa) đã chỉ trích Tổng thống Barack Obama vì ông cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Smith cho rằng cam kết này là “sự bấu víu quyền lực” và sẽ khiến cho nước Mỹ bị tổn hại lâu dài chỉ vì chút lợi ích ít ỏi về mặt môi trường.

Mâu thuẫn gay gắt về biến đổi khí hậu khiến một số chuyên gia hoài nghi về tính hữu ích thực tế của chiến dịch Ngày Trái Đất trên toàn cầu. Ông Paul Ehrlich thuộc Trung tâm Bảo tồn biến dị gen của Đại học Standford nói: “Ngày nay, phần lớn những thứ được gọi là phong trào môi trường lại do các ngành công nghiệp bảo trợ. Ngày Trái Đất giờ chỉ còn kiểu hô hào như chúng ta cùng tập trung lại và tái chế. Những biến đổi mà chúng ta đối mặt vượt quá khả năng của một chương trình Ngày Trái Đất bình thường”. Ông Lester Brown, sáng lập viên Viện Chính sách Trái Đất, cho rằng nếu có nguồn năng lượng nào sạch hơn xuất hiện thì đó là vì vấn đề kinh tế chứ không phải vì môi trường.

Thực tế cũng chỉ ra điều này. Nếu như trước kia, mỗi sự kiện Ngày Trái Đất là một cuộc tuần hành lớn, biến chủ nghĩa bảo vệ môi trường thành những hành động thiết thực, có tầm ảnh hưởng rộng. Còn ngày nay, Ngày Trái Đất lại khiến người ta dễ nhầm với một lễ hội âm nhạc, hội chợ sinh thái hay các bữa tiệc tái chế - nơi mà người ta đến để vui chơi, giải trí nhiều hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ví dụ như tại National Mall ở Mỹ, Dự án chống đói nghèo toàn cầu ngày 18/4 vừa tổ chức một buổi hòa nhạc hoành tráng nhân sự kiện Công dân Toàn cầu Ngày Trái Đất 2015. Sự kiện này thực ra chỉ có một chút môi trường trong đó: Nguồn điện dùng cho buổi hòa nhạc là năng lượng mặt trời. Trong khi đó, người tham gia quá đông đến nỗi những thùng rác đặt tại khu vực không đủ để đựng rác thải của hàng trăm nghìn người xả ra. Hậu quả là, rác chất ngập quanh các thùng đã đầy ự. Ngoài ra, để phục vụ cho những người tham gia, có hàng chục xe tải bán thức ăn đựng trong thứ hộp nhựa xốp có hại cho môi trường.

Do đó, để Ngày Trái Đất còn giữ nguyên ý nghĩa thiết thực, có lẽ mỗi người cần phải thể hiện bằng những hành động cụ thể hàng ngày, thay vì chỉ hưởng ứng theo phong trào và hô hào suông.

Thùy Dương

Ô nhiễm không khí Trung Quốc liên quan chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ
Ô nhiễm không khí Trung Quốc liên quan chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ

Không khí ô nhiễm từ Trung Quốc đã bay qua Thái Bình Dương vào khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ, và chủ nghĩa tiêu dùng của Mỹ bị coi là góp phần vào tình trạng này. Đây là kết quả một nghiên cứu khoa học mới công bố trên chuyên san Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN