Ngành chăn nuôi phát thải tới 14,5% lượng khí nhà kính

Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), có tới 14,5 % khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay đến từ ngành chăn nuôi, nhiều hơn khí thải của toàn bộ các phương tiện giao thông đường bộ trên thế giới.


Việc ăn thịt là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Các loài động vật nhai lại thải ra một khối lượng lớn khí methane, loại khí gây hại hơn gấp 20 lần khí carbon. Ngoài ra còn protoxyte azote, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính nữa, xuất phát từ phân chuồng và phân bón đất canh tác.

FAO ước tính các loại khí phát thải sẽ còn tăng nhanh khi mà mức tiêu thụ thịt và sản phẩm từ sữa tăng vọt, lần lượt là 76% và 65 % từ nay đến năm 2050. Theo các chuyên gia, không khu vực nào trên thế giới tiêu thụ thịt nhiều như ở châu Á, nơi những tầng lớp trung lưu mới phát triển nhanh chóng và mức tiêu thụ thịt, cũng như sản phẩm từ thịt tăng cao hơn bao giờ hết, nhờ thu nhập cao hơn và cách thức ăn uống thay đổi.

Vấn đề tiêu thụ thịt và chăn nuôi tăng còn dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng khác, nhiều đàn bò hơn đồng nghĩa với việc các nông trại được mở rộng, dẫn đến nạn phá rừng bừa bãi, hủy hoại các "giếng" carbon vì cây xanh có chức năng hút carbon trong không khí.

Trong báo cáo công bố năm ngoái, tổ chức Chattam House ở Anh đã nêu bật việc thay đổi chế độ ăn uống là vấn đề cơ bản để nhiệt độ hành tinh không tăng quá 2 độ C. Đây là giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã ấn định để tránh cho "hành tinh xanh" khỏi những hậu quả khó lường của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để làm cho người dân ý thức được và thay đổi chế độ ăn uống bớt thịt hoàn toàn không dễ dàng. Giám đốc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên ở Indonesia, Nyoman Iswarayoga cho rằng nhiều người còn chưa thấy được mối liên hệ giữa cháy rừng và khí thải carbon, họ càng không hiểu được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và việc ăn thịt. Theo ông, việc thay đổi cách sống và suy nghĩ sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

TTXVN/Tin Tức
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

Từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang được xác định theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trong đó cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực. Vì vậy, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo chuỗi giá trị sản xuất lúa đồng bộ, tỉnh Kiên Giang chú trọng nhân rộng mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN