Mục kích sở thị cuộc sống người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ

Khi chúng tôi đến, một toán lính đang ngồi túm lại bên cạnh cổng, được trang bị súng tiểu liên cỡ lớn. Một viên sĩ quan liền sáp tới và yêu cầu chúng tôi ngừng ghi hình. Đứng ở cổng trại tị nạn có thể nhìn rõ trạm kiểm soát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia là thành phố Aleppo lớn nhất Syria.

Gia đình cô bé Siriey Farid Sheikh Ali.

Hôm nay là ngày mà cô bé Siriey Farid Sheikh Ali, 12 tuổi người tị nạn Syria, nhận được quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cùng cha. Nhưng cô bé cho biết sẽ chưa dám chia sẻ niềm vui mà cô chờ đợi 1 năm nay cho các bạn bè và hàng xóm của mình Lý do là cô sợ mọi người ghen tị với cô và gia đình.


Một thành phố thu nhỏ


Siriey là một trong số không nhiều 15.000 người tị nạn may mắn ở trại Kilis Konalklama Tesisleri, nằm ở thành phố Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ trên biên giới với Syria. Trong một căn phòng, đúng ra là một chiếc container được cải tạo thành nhà tạm, rộng 21m2, gia đình Siriey gồm 7 người chia sẻ những khoảng không gian chật hẹp. Căn nhà không có nơi đi vệ sinh, không buồng tắm và bếp. Tất nhiên, giường cũng trở thành một đồ vật quá xa xỉ. Tất cả đều nằm dưới đất, trên những chiếc thảm phủ khắp mặt sàn, dày và khá sạch sẽ khi chúng tôi đến.


Có lẽ gia đình cô biết hôm nay họ sẽ đón những người khách quốc tế nên căn nhà đã được dọn dẹp ngăn nắp, với cả một số đồ chơi trẻ con được đặt ngay ngắn trên giá. Tài sản có giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi với các chương trình được bắt sóng từ vệ tinh qua một chiếc chảo đặt trên các nóc container. Cô còn có một người chị vẫn ở Syria, theo chồng là một công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất pho mát ở tỉnh Iblid.


Với 15.000 dân, trại tị nạn Kilis nằm ở thành phố cùng tên có dân số còn lớn hơn cả thành phố Davos của Thụy Sĩ, nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới hàng năm. Hàng tháng chi phí để đảm bảo sinh hoạt cho 15.000 dân tại đây ngốn một số tiền khổng lồ. Theo Seyfettm Chimen, Người phát ngôn của khu trại, riêng tiền điện đã 1 triệu lira (khoảng 280.000 USD). Ông cũng cho hay trại tới nay không nhận được bất kỳ khoản tiền viện trợ nào từ phía các quốc gia châu Âu.

Một dãy nhà tại trại tị nạn Kilis.

Ngày 18/3/2016, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã ký kết một thỏa thuận ngăn chặn dòng người tị nạn, với khoản viện trợ 3 tỉ euro từ các nước EU. Tuy nhiên, việc giải ngân số tiền này vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cuộc sống của người tị nạn tại đây khá dễ chịu, với đầy đủ hệ thống trường học từ mẫu giáo tới cấp 3, một bệnh viện, tiệm cắt tóc, một trung tâm học nghề, 3 thánh đường Hồi giáo, và một khu chợ. Ngoài sân, có một khu vui chơi cho trẻ em, thi thoảng có những gia đình đẩy xe nôi đưa các em đi lại trong khu. Một vài người đàn ông trung niên ngồi trầm âm bên các chòi nghỉ được dựng lên tại các điểm công cộng. Vài em nhỏ đạp xe lướt nhanh qua những người ngoại quốc với ánh mắt tò mò. Tình hình an ninh tại trại được đặc biệt quan tâm. Toàn bộ người ra vào đều phải đi qua các máy soi chiếu kiểm tra an ninh, tại cổng có đặt các bao cát tạo thành bức tường chống đạn.

Khi chúng tôi đến, một toán lính trong trang phục dã chiến đang ngồi túm lại bên cạnh cổng với một chiếc xe bọc thép, được trang bị súng tiểu liên cỡ lớn. Khi thấy một trong các phóng viên chĩa máy quay, một viên sĩ quan liền sáp tới và yêu cầu chúng tôi ngừng ghi hình với một thái độ khá gay gắt. Sau đó, họ nhanh chóng rời đi. Đứng ở cổng vào khu trại có thể nhìn thấy rõ trạm kiểm soát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, ước chừng cách đó chỉ khoảng 200m. Một chiếc taxi màu vàng hướng sang phía Syria trong sự ngạc nhiên của một số nhà báo. Bên kia biên giới là thành phố Aleppo lớn nhất Syria.


Tìm kiếm cuộc sống mới


Cô bé Siriey và gia đình là một trong số ít người rất may mắn sống trong trại tị nạn này. Cả bố mẹ cô và cô đều có công việc để làm, bố cô là thợ dạy nghề khảm ngay tại trại tị nạn, còn mẹ cô và cô làm dệt. Họ dệt những chiếc thảm bằng tay để bán cho những người khách đến thăm trại, ông Chimen cho hay. Tuy nhiên, khi được hỏi mỗi tuần có bao nhiêu khách đến để mua những sản phẩm này thì ông nói không nắm được con số chính xác. Gia đình Siriey được xếp vào hàng giàu có của khu tị nạn, bởi nếu xét về thu nhập, riêng cô đã gấp 6 lần so với một người tị nạn bình thường. Cô cho hay hai mẹ con cô mỗi tháng được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trả khoản tiền 1200 lira/người (khoảng 340 USD). Trong khi đó, mỗi người tị nạn không có việc làm chỉ được nhận 200 lira/tháng, và cấp thành hai lần.


Siriey sẽ tốt nghiệp THCS trong năm nay. Cô đã học tiếng Thổ được 3 năm và nói khá trôi chảy, trong khi người mẹ hầu nói được rất ít tiếng Thổ. Trại Kilis có 5 trường học, trong đó có 1 trường mẫu giáo, hai trường cấp 1, một trường cấp 2 và một trường cấp 3. Tại trường học, theo một cô hiệu trưởng trường mầm non, những đứa trẻ Syria được giáo dục hoàn toàn theo chương trình của Thổ Nhĩ Kỳ, tức là học tiếng Thổ thay vì tiếng Arab như ở Syria.


Ông Chimen cho hay trong trại Kilis có 6.500 đứa trẻ từ 5-18 tuổi, và có 500-600 em được sinh ra tại trại này trong 5 năm qua. Cũng theo ông này, những người tị nạn trong trại chủ yếu đến từ Aleppo và Idlib – hai điểm nóng về chiến sự tại Syria và nay là một trong những vùng an toàn theo thỏa thuận vừa được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết hôm 4/5. “Thật khó biết rằng khi nào chiến tranh kết thúc nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan đã làm cho chúng tôi”, mẹ của Siriey nói. Cô Siriey và gia đình nằm trong số ít người từng được lên Ankara gặp Tổng thống Erdogan. Khi được hỏi liệu gia đình bà có muốn quay trở lại Syria hay không, bà và bé Siriey tỏ ra khá lưỡng lự. Nay họ đã là những công dân của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó không đảm bảo họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp tại đây. Mặc dù có thu nhập cao hơn những người đồng hương, khoản thu nhập của cả nhà vẫn không đủ để họ có thể mua nhà và ổn định cuộc sống tại miền đất mới.


Bình luận về thỏa thuận giảm xung đột thông qua việc thành lập 4 khu vực an toàn vừa được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhất trí hôm 4/5, ông Chimen cho biết điều này sẽ giúp người dân Syria có thể trở về nhà. Tuy nhiên, trước đó, ông lại nói rằng đa số người dân tại đây đều hài lòng với cuộc sống tại trại tị nạn và không muốn trở về. “15.000 người tị nạn Syria ở đây đều chống chính quyền Assad và ủng hộ lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA)” – lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, ông Chimen nói.


Quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ là một điều mà nhiều người Syria mong muốn. Cô Hanan Saddadin giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường cấp ba trong trại cho biết: “Tôi cũng đã xin được nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ từ 6 tháng nay, song tới nay vẫn chưa có kết quả”. Cô Saddadin có chồng làm việc trong cái gọi là Cảnh sát tự do Syria (Free Police Syria) tại tỉnh Idlib, Syria và cô đã đến trại tị nạn này được 3 năm. Cô cho biết lương tháng của cô là 1.300 lira. Idlib là một trong những thành trì của phe đối lập, nơi được xem là có các điều kiện cần thiết nhất hiện nay thể đối phó với chính quyền Damascus về mặt quân sự. Idlib hiện có khoảng 2 triệu dân, trong đó có hàng nghìn người đến từ Homs và Damascus theo các thỏa thuận “hòa giải” giữa chính phủ và phe đối lập.


Một tương lai bất định


Kilis là một thành phố vùng biên nhỏ thuộc tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có 2 trong số 7 trại tị nạn ở tỉnh Gaziantep, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số của thành phố này là 80.000 người, trong khi số người tị nạn tại đây đã lên tới 120.000. Theo Thống đốc thành phố Gaziantep, ông Ali Yerlikaya, Gaziantep có tới 450.000 người tị nạn Syria. Một tài liệu của UNICEF cho biết tính tới tháng 3/2017, số người tị nạn (có đăng ký) tại Syria tại là 2.969.669 người, còn thực tế, số người tị nạn lên tới hơn 3.2 triệu người, trong đó có hơn 1.3 triệu trẻ em.


Gaziantep là một trong những thành phố cổ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, nổi tiếng về nghệ thuật ẩm thực và và một truyền thống lịch sử sinh động. Tên xưa kia của thành phố này là Antep và tới năm 1920, chữ Gazi (nghĩa là cựu binh) được đưa thêm vào để tưởng nhớ những người lính đã chiến đấu chống Pháp trong cuộc chiến giành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự xuất hiện của người tị nạn Syria đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố có 2 triệu dân này. Làn sóng người tị nạn Syria đã đẩy dân số tại đây tăng lên 25%, làm giá nhà đất tăng vọt, cạnh tranh trên thị trường lao động trở nên khắc nghiệt hơn khi người Syria chấp nhận làm bất kỳ việc gì để kiếm tiền. Và điều này đã gây ra những mâu thuẫn và đôi khi là xô xát giữa người dân bản địa và người tị nạn Syria.


Thống đốc Ali Yerlikaya cho hay, trong số gần 3 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có 10% là sống tập trung trong các trại tị nạn – nơi họ nhận được sự bảo đảm tương đối tốt về an ninh và nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Còn lại 90% là sống tạm và xen lẫn với người bản địa. Giới chức chính quyền Gaziantep không cung cấp thêm thông tin chi tiếtvề những người tị nạn Syria sống ngoài các trại. Những người tị nạn này được mong chờ sẽ sớm trở về quê hương khi được đón nhận tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nay cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 7 và họ vẫn chưa nhìn thấy tương lai của mình sẽ như thế nào. Những người tị nạn Syria đã nỗ lực rất nhiều và cũng đã phải chịu đựng rất nhiều để tồn tại được ở những miền đất mới.


Dù đóng góp như thế nào cho nền kinh tế hay xã hội của địa phương, họ vẫn chỉ là những người “ngụ cư”, sống bên lề của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ với một vị thế bếp bênh và không được tôn trọng. Chúng tôi rời khu trại khi tiếng loa nhắc nhở những tín đồ Hồi giáo thực hiện nghi lễ cầu nguyện. Trong điều kiện vong quốc, cầu nguyện có lẽ là thứ họ cần để giữ niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng  hơn, thời điểm họ được trở về căn nhà thực sự của mình. Sau 7 năm chiến tranh, con số người Syria phải rời bỏ nhà cửa, thiệt mạng đã lên tới 11 triệu người, và con số này sẽ chắc chắn còn tăng lên nếu không có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.


Ngày 15/5, tại Geneva, vòng hòa đàm về Syria dưới sự bảo trợ của LHQ đã được nối lại. Tuy nhiên, trước đó, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Mehdi Eker cho rằng đây sẽ là con đường dài mà các bên sẽ phải đi để có được kết quả cuối cùng.


Gia đình Siriey chào từ biệt chúng tôi tại cửa với những nụ cười mến khách, nhưng không che được được những nét lo âu trên khuôn mặt người mẹ. Chúng tôi không có thời gian để tiếp xúc với những gia đình khác và chúng tôi có lý do để tin rằng đây có lẽ là phần tích cực nhất mà chúng tôi được chứng kiến tại trại Kilis. Tại cổng ra vào, đi ngược chiều với xe chúng tôi, một chiếc xe container đang chở hàng đi vào khu trại, trên xe có in hình cờ của phe đối lập Syria.


Bài và ảnh: Nguyễn Duy Thái (Pv TTXVN, gửi về từ Thổ Nhĩ Kỳ)
Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ 1,4 tỷ USD cho người tị nạn ở Nam Sudan
Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ 1,4 tỷ USD cho người tị nạn ở Nam Sudan

Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, năm nay, cộng đồng quốc tế cần 1,4 tỷ USD để hỗ trợ gần hai triệu người tị nạn ở Nam Sudan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN