Khẩu trang trở thành hình ảnh quen thuộc ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết trong tuần qua, khói mù ô nhiễm đã bao trùm cả một khu vực rộng tới hơn nửa triệu km2, số thành phố có chỉ số chất lượng không khí ô nhiễm nặng tăng từ 23 lên 31, trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến là Bắc Kinh, Thạch Gia Trang, Hình Đài, Lang Phường và Bảo Định.
Ngày 1/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại Bắc Kinh phổ biến ở mức 500μg, tầm nhìn xa không quá 500m, có nơi dưới 100m hoặc dưới 200m. Trong khi đó, vào đêm 30/11 có nơi đo được nồng độ các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micrômét (PM 2,5) cao nhất lên tới 945μg, gấp 38 lần so với tiêu chuẩn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép.
Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà, trong khi hầu hết các tuyến đường cao tốc từ vành đai 6 trở ra đã ngừng hoạt động vì lo ngại khói mù hạn chế tầm nhìn gây nguy hiểm. Các nhà máy gây ô nhiễm cũng được yêu cầu hạn chế hoặc tạm ngừng sản xuất, các công trình xây dựng trên địa bàn cũng phải dừng thi công.
Chuyên gia khí tượng cho biết nguyên nhân chính dẫn đến đợt ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong năm nay là do bối cảnh khí hậu đặc thù và điều kiện thời tiết cực đoan. Năm 2015 là năm có hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử, thời tiết cực đoan xảy ra liên tiếp trên toàn cầu.
Tháng 11 vừa qua, miền Bắc Trung Quốc đã nhiều lần có tuyết rơi dày đặc trên diện rộng, sau khi tuyết tan làm độ ẩm mặt đất gần bão hòa, nhiệt độ xuống thấp, không khí trung tầng lại ấm dần, dẫn đến tình trạng độ ẩm cao, gió yếu, nhiệt độ chênh lệch cao, không khí ô nhiễm tích tụ phủ kín trên phạm vi rộng. Hơn nữa, lượng than đốt và khí thải từ ô tô đã tăng lên rõ rệt khi mùa Đông đến và ô nhiễm từ khu vực xung quanh đổ về.
Năm ngoái, Trung Quốc đã phát động cuộc chiến chống ô nhiễm sau khi khói mù bao trùm thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Nước này cũng tuyên bố sẽ giảm tiêu thụ than, đóng cửa các khu công nghiệp gây ô nhiễm. Giới chức Bộ Môi trường Trung Quốc thừa nhận nước này không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí cho đến năm 2030.
Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Pháp, Trung Quốc đã cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 60%-65% lượng khí phát thải CO2 so với năm 2005, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng mới và năng lượng tái tạo đạt 20%.... Nếu tình trạng chất lượng không khí không được cải thiện, mỗi năm Trung Quốc sẽ có 350-500 nghìn người chết sớm vì sống trong bầu không khí độc hại.