Theo tạp chí Maghreb số ra gần đây, bất chấp những diễn biến chính trị vừa qua, vốn ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nền kinh tế châu Phi nhìn chung vẫn có sự chuyển mình đáng chú ý, nhất là các nền kinh tế trong vùng Nam châu Phi và hạ Xahara. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đều dự đoán trong năm nay, kinh tế châu lục này có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của thế giới và các nước phát triển.
Maghreb nhận xét, nhân tố then chốt đem lại kết quả khả quan nói trên là nhờ sự vươn lên của những nước nghèo nhất thế giới trong khu vực, với GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Theo dự báo của OECD và AfDB, kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2011, so với mức dự đoán tăng trung bình 3,2% của thế giới và 2,2% của các nước phát triển.
Giới phân tích của hai tổ chức nói trên nhận định, kinh tế khu vực Bắc Phi trong năm nay chỉ đạt mức tăng 0,7%, trong khi mức tăng này tại các khu vực miền Nam châu Phi là 4,5%, vùng Trung Phi 5,3% và khu vực Đông Phi 6,7%).
Đối với vùng hạ Xahara, kinh tế vùng này được dự báo tăng trưởng khoảng 5,6% trong năm 2011 và có thể sẽ tăng 6,5% trong năm 2012, tức gấp 3 lần so với các nước giàu. Nhiều nước châu Phi từ năm 2011 sẽ đạt mức tăng trên 6%, thậm chí 10% ở một số quốc gia. Chủ tịch AfDB, Donald Kaberuka, nói rằng một số nước trong khu vực sẽ đạt tăng trưởng GDP trên 7%, thậm chí ở mức tăng hai con số.
Thương mại thế giới được coi là động lực cho châu Phi. Tăng trưởng ở các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay Braxin khiến nhu cầu ở ngoài nước bùng nổ, đặc biệt là hàng thiết yếu. Số nhà đầu tư vào châu Phi tăng mạnh giúp thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng cho phát triển. Tuy nhiên, thương mại giữa các vùng, các nước châu Phi cũng cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn bộ khu vực này.
Trong báo cáo công bố ngày 21/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực cận Xahara sẽ đạt trên 5% trong năm 2011 và 5,8% trong năm 2012, với đà tăng trưởng này tiếp tục vững trong những năm tới.
Trong khi đó, do tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nam Phi đang có dấu hiệu chững lại, IMF dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Phi này chỉ đạt 3,4% trong năm nay và 3,6% năm 2012. Tăng trưởng GDP của Nam Phi đều phụ thuộc vào mức độ tiêu dùng cá nhân và đà phục hồi của nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
IMF cũng cho rằng mặc dù sự ảm đạm của kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ công tại châu Âu có ít tác động đến triển vọng tăng trưởng của châu Phi, nhờ các nền kinh tế tại vùng Xahara đang trên đà tăng ổn định, với nhiều nền kinh tế đã gần đạt được mức tăng trưởng tiền khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)