Thị trường xăng dầu Lào và Campuchia:

Khi tăng giảm giá xăng dầu là chuyện thường ngày (Bài cuối)

Vận hành theo cơ chế thị trường

Campuchia là một nước nghèo nhưng ấn tượng của chúng tôi khi có mặt ở thủ đô Phnôm Pênh là có rất nhiều cây xăng đạt chuẩn quốc tế với diện tích mỗi cây xăng rộng gấp 3 - 4 lần ở Việt Nam. Hơn thế, cây xăng nào cũng có thêm cửa hàng tự chọn bán đủ loại mặt hàng tiêu dùng, từ nước uống đến rau quả, thực phẩm... rất tiện cho các phương tiện vừa ghé vào đổ xăng vừa mua sắm.


Cạnh tranh về giá và dịch vụ


Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ xăng dầu (XD) tại Campuchia như “bùng nổ”, dân số Campuchia khoảng 14 triệu người nhưng có hệ thống cửa hàng bán lẻ XD dày đặc với hơn 1.000 cửa hàng phân bố trên 24 tỉnh, thành. Riêng tại thủ đô Phnôm Pênh diện tích chỉ có 374 km2 nhưng có hơn 240 cửa hàng bán lẻ XD, nghĩa là trung bình cứ 0,6 km2 có một cửa hàng bán lẻ XD.


Trưởng Văn phòng đại diện Petrolimex tại Campuchia, ông Đàm Tá Nho cho biết: Cùng với việc vận hành thị trường XD theo cơ chế thị trường, trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ XD ở Campuhia đã có tốc độ phát triển rất nhanh chóng.


Các cửa hàng xăng dầu ở Campuchia rất khang trang và thường có thêm cửa hàng tiện ích. Ảnh: Ngọc Tú

Hiện nay, thị trường Campuchia có sự tham gia của rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới của Mỹ, Pháp như Caltex, Chevron, Total đến các thương hiệu của châu Á như Sokimex, PTT, Tela... Khác với ở Việt Nam, giá XD ở Campuchia cũng biến động rất nhanh theo giá thế giới.


Ngày 7/12 chúng tôi thấy giá xăng RON 92 là 5.200 riel/lít (khoảng 27.000 đồng/lít, cao hơn giá xăng Việt Nam khoảng 4.000 đồng/lít); RON 90 là 5.000 riel/lít (khoảng trên 26.000 đồng/lít) thì ngay hôm sau (8/12) đồng loạt các cây xăng tại Phnôm Pênh đều giảm 100 riel/lít, hôm sau nữa lại thấy tăng thêm 150 riel/lít XD…


Việc mở cửa thị trường dẫn đến các doanh nghiệp (DN) XD cạnh tranh khá quyết liệt về giá bán và các dịch vụ. Các DN có thương hiệu không mạnh thường cạnh tranh bằng giá bán nên giá của các cửa hàng XD có thể khác nhau để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, ở thủ đô Phnôm Pênh hầu hết các cây xăng của các DN lớn dù mang biển hiệu khác nhau như Caltex, Sokimex, PTT, Tela... đều niêm yết giá bán giống nhau.


“Nếu bán cao thì không được, bán thấp thì họ cho là cửa hàng đó gian lận chất lượng, số lượng nên các DN XD thường căn cứ vào giá của Caltex để bán, vì Caltex là công ty nước ngoài, mà người Campuchia lại rất chuộng các thương hiệu lớn”, Uch Sophal, phụ trách kinh doanh của Công ty XD Mittapheap giải thích.


Không chỉ cạnh tranh bằng giá bán, các DN XD còn cạnh tranh rất quyết liệt bằng dịch vụ. Đó là lý do tại sao các điểm bán XD ở Phnôm Pênh thường có thêm cửa hàng tự chọn để khách hàng mua XD có thể ghé chân uống nước hoa quả, cà phê hay mua sắm hàng tạp hóa rất tiện lợi.


Thậm chí, chiêu khuyến mại: Mua XD được tặng đồ uống như Coca-Cola, Pepsi... đã trở thành “văn hóa kinh doanh” XD ở đây. Một người quen của chúng tôi ở Phnôm Pênh cho biết, nhờ thường xuyên đổ xăng cho chiếc xe Hilux (Toyota) mà gia đình anh gồm 3 người lớn và 1 trẻ con có đủ nước giải khát để uống quanh năm!


Doanh nghiệp không lo lỗ, nhà nước không lo đứt nguồn hàng


Campuchia là thị trường nhập khẩu 100% lượng xăng dầu, khoảng 1,7 triệu tấn/năm từ Việt Nam, Thái Lan, Xinhgapo và Malaixia. Với cách kinh doanh XD hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp mà để cho DN tự định giá bán lẻ và chỉ đề ra các quy định về thuế, phí.


Theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành do Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia ban hành, XD nhập khẩu phải chịu các khoản thuế: thuế nhập khẩu (xăng: 15%; diêden, dầu hỏa và madút là mặt hàng sử dụng nhiều trong sản xuất nên thuế bằng 0%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), phụ thu (0,02 USD/lít) và phí giao thông.


Theo ông Đàm Tá Nho, do được linh hoạt về điều chỉnh giá, nên kinh doanh XD không lo bị lỗ mỗi khi giá thế giới tăng. Nhà nước cũng không lo bị đứt nguồn hàng, kể cả khi giá thế giới biến động mạnh, như thực tế từng diễn ra ở Việt Nam.


Mặc dù điều hành khá thoáng về giá, nhưng luật pháp của Campuchia cũng có những quy định khắt khe để tránh gian lận về thương hiệu, chất lượng. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải có kho chứa, phương tiện dự trữ, mỗi đại lý chỉ được ký với một đầu mối cung cấp XD.


Vì thế, mỗi xe téc vận chuyển của đại lý đều phải mang lôgô của một DN đầu mối, và xe phải đi đúng vào kho của đầu mối đó để lấy hàng sau đó vận chuyển đến đúng các cửa hàng treo biển hiệu, lôgô giống như trên xe vận chuyển.


Giá XD tại Campuchia tăng giảm liên tục và giá bán còn cao hơn ở Việt Nam. Thực tế này khiến chúng tôi đã nghĩ, giá XD sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều loại hàng hóa, làm tăng lạm phát như thực tế ở Việt Nam. Nhưng không, chúng tôi thực sự bất ngờ khi biết dự tính GDP năm 2012 của Campuchia tăng khoảng 6,5%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 2 - 3%, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.


Trong thời gian 4 ngày chúng tôi có mặt ở Campuchia, giá XD đã tăng, giảm 2 lần nhưng chúng tôi cũng không thấy cảnh người dân xếp hàng chờ mua XD như ở Việt Nam. Vì giá XD lên xuống liên tục nên người dân và thị trường hàng hóa đã quen với điều đó và hoàn toàn không có chuyện “té nước" theo giá XD.


Một anh bạn sống ở Phnôm Pênh cho biết, trong gần 2 năm qua, giá XD đã tăng đáng kể nhưng giá cước xe tuk tuk (một loại phương tiện công cộng phổ biến) vẫn không tăng.



Thu Hường

Khi tăng giảm giá xăng dầu là chuyện thường ngày! (Bài 1)
Khi tăng giảm giá xăng dầu là chuyện thường ngày! (Bài 1)

Xăng dầu (XD) luôn là mặt hàng chiến lược của nền kinh tế nhưng phương thức quản lý điều hành ở mỗi nước lại có những điểm khác biệt. Qua chuyến công tác tại Lào, Campuchia, phóng viên Báo Tin tức nhận thấy, với cơ chế kinh doanh XD khá linh hoạt, giá XD ở các nước bạn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN