Xăng dầu (XD) luôn là mặt hàng chiến lược của nền kinh tế nhưng phương thức quản lý điều hành ở mỗi nước lại có những điểm khác biệt. Qua chuyến công tác tại Lào, Campuchia, phóng viên Báo Tin tức nhận thấy, với cơ chế kinh doanh XD khá linh hoạt, giá XD ở các nước bạn biến động linh hoạt nhưng không gây tác động lớn đến tâm lý thị trường như ở nước ta. Càng không có chuyện thị trường hàng hóa “té nước” theo giá XD. Dường như, với người dân Lào và Campuchia, tăng giảm giá XD đã là chuyện thường ngày.
Bài 1: Phát triển nhanh nhờ cơ chế linh hoạt
Giá XD thay đổi 4 - 5 lần/tháng
Cơ chế tính giá XD tại Lào khá tương đồng với Việt Nam, nghĩa là cũng căn cứ vào giá cơ sở, giá nhập khẩu và tính thêm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và phí cầu đường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chính phủ điều hành giá thông qua Hiệp hội XD Lào (gồm 12 doanh nghiệp - DN).
Theo đó, các công ty trong hiệp hội có quyền trình văn bản lên hiệp hội đề nghị điều chỉnh giá XD theo biến động của giá thế giới. Nếu thấy cần thiết, Chủ tịch Hiệp hội có thể trình văn bản lên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương yêu cầu điều chỉnh giá.
Petrolimex Lào hiện có 35 cửa hàng bán lẻ XD tại thị trường Lào. |
Với cơ chế điều hành giá linh hoạt như vậy, giá XD trong 1 tháng tại Lào có thể tăng giảm đến 4 - 5 lần, nhưng mỗi lần tăng giảm giá với mức độ thấp, khoảng 100 kip/lít/lần (260 đồng). Thậm chí, nếu giá thế giới diễn biến quá nhanh thì có thể lấy giá trung bình của một giai đoạn để làm căn cứ điều chỉnh.
Với giá XD diễn biến nhanh và mức độ biến động không lớn khiến cho việc tăng, giảm giá XD đã trở thành bình thường với người dân Lào. Tại cửa hàng xăng dầu Tân, một đại lý trực thuộc Petrolimex Lào ở thủ đô Viêng Chăn, chị Choi, một khách hàng thường xuyên, khẳng định: “Tôi ít quan tâm đến giá bởi giá XD tăng giảm phụ thuộc vào giá thế giới. Khách hàng như tôi chủ yếu quan tâm đến chất lượng và dịch vụ của người bán hàng mà thôi”.
Đặc biệt, ở Lào cũng không có chuyện giá hàng thực phẩm, cước vận tải tăng giá “ăn theo” theo giá XD. Thậm chí, nếu có DN kinh doanh nào lợi dụng việc tăng giá XD để tăng giá bán, hàng hóa sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay ngay.
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, trong trường hợp giá XD thế giới giảm mạnh mà hiệp hội không có tờ trình về việc điều chỉnh giảm giá thì Tổ điều hành giá, có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, có thể gửi công văn cho hiệp hội yêu cầu trình văn bản đề nghị giảm giá.
Tổng Giám đốc Công ty XD Quân đội Lào cho biết: Ở vùng sâu, vùng xa, giá bán XD được tính theo kiểu cộng tiến vùng. Điều này giúp cho DN không bị lỗ khi đưa XD đến vùng sâu, vùng xa. Với những vùng cao, đi lại khó khăn, chính phủ Lào còn hỗ trợ thêm để không làm giá XD quá chênh lệch.
Người dân chọn hàng có thương hiệu
Theo đại diện của Hiệp hội XD Lào, thị trường XD nước này phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. Điều này thể hiện trước hết qua sự phát triển về số DN đầu mối kinh doanh XD, từ chỗ chỉ có 4 DN đến nay đã tăng gấp hơn 5 lần, lên 22 DN. Trong 3 DN đầu tư nước ngoài 100% vốn thì Việt Nam có 2 DN (PV Oil, Petrolimex) và 1 DN của Thái Lan (PTT); 13 DN của Lào.
Thị trường XD Lào được dẫn dắt bởi 3 DN lớn, chiếm trên 50% thị phần là Công ty XD Lào (của Nhà nước chiếm 34% thị phần); PV Oil (15%); PTT của Thái Lan (13%). Còn lại là Petrolimex Lào (9%), ML (7%), Star Oil (6%)… và một số DN tư nhân.
Lượng hàng tiêu thụ tăng thêm từ 8 - 13%/năm. Dự kiến năm 2012, sản lượng tiêu thụ khoảng 800.000 m3. Hàng năm, Bộ Công Thương Lào phân bổ hạn ngạch cho DN đủ điều kiện nhập khẩu XD dựa trên đề xuất của chính DN.
Để quản lý hệ thống phân phối, tương tự như Việt Nam, chính phủ Lào quy định, một đại lý XD chỉ được ký hợp đồng duy nhất với một DN đầu mối và phải mang thương hiệu của DN đó. Nếu cửa hàng nào vi phạm, DN đầu mối có thể gửi văn bản lên cơ quan quản lý và sẽ bị phạt rất nặng.
Đại diện Hiệp hội XD Lào cho biết thêm, tại một cửa hàng nào đó, nếu hóa đơn nhập vào 80 m3/tháng nhưng thực tế đồng hồ đo bán ra 100 m3 thì chứng tỏ cửa hàng đã nhập sai quy định 20 m3. Dựa trên căn cứ này, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức phạt nặng.
Mặc dù, thị trường XD có sự tham gia của nhiều DN nhưng người dân thường chọn mua XD của các hệ thống phân phối có thương hiệu tốt. Vì thế, các DN rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm. PV Oil và Petrolimex Lào là hai DN XD của Việt Nam tham gia thị trường XD Lào. Nhờ chú trọng phát triển hệ thống phân phối và xây dựng thương hiệu nên 2 DN trên đã nằm trong top 5 DN XD có thị phần lớn và được người tiêu dùng Lào ưa chuộng.
Bài và ảnh: Thu Hường