Sự kiện trọng đại
Trên 11.000 cảnh sát và nhân viên bảo vệ đã được huy động để bảo vệ an ninh cho buổi lễ với sự tham dự của Tổng thống Panama Juan Carlos Varela và 15.000 khách mời, đại biểu và người dân ở thủ đô Panama.
Thực chất, đây chính là hệ thống âu thuyền thứ ba vừa được xây dựng xong và đã đưa vào chạy thử thành công bên cạnh hai âu thuyền đang hoạt động nằm trong tổ hợp Kênh đào Panama. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, trung chuyển 300 triệu tấn hàng hóa/năm, đem lại cho Panama mỗi năm 1 tỷ USD từ tiền vé, phí và dịch vụ các loại.
Âu thuyền thứ ba sẽ khánh thành vào ngày 26/6. |
Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống kênh đào mới mà chi phí lên tới 5,2 tỷ USD, công suất trung chuyển hiện nay của Kênh đào Panama sẽ tăng gấp đôi, tức là lên 600 triệu tấn hàng hóa/năm, tương đương với 12% khối lượng thương mại thế giới. Dự kiến ngay trong năm 2017, Panama sẽ thu được 1,4 tỷ USD từ ba âu thuyền, tăng 400 triệu USD so với hiện nay. Theo các chủ đầu tư, số tiền 5,2 tỷ USD để xây dựng công trình mới sẽ được hoàn vốn trong 10 năm.
Nếu như mỗi khoang nước trước đây có chiều rộng 33,53 m và chiều sâu 25,91 m thì các chỉ số trên ở âu thuyền thứ ba được nâng lên 54,86 m và 28,89 m. Điều này cho phép những con tàu chở tới 14.000 container có thể đi qua kênh đào mới. Ước tính số lượng tàu thuyền qua kênh đào sẽ tăng từ 14.000 chiếc/năm hiện nay lên trên 20.000 chiếc/năm trong vòng vài ba năm tới.
Con tàu chở container mang tên Cosco Shipping Panama, dài 300 m, rộng 48,25 m, chở 9.472 container đã xuất phát từ Hy Lạp và sẽ là con tàu đầu tiên chính thức qua âu thuyền mới vào đúng ngày khai mạc 26/6.
Công trình vĩ đại
Kênh đào Panama là một trong số những công trình lớn nhất và khó khăn nhất của thế giới đã thực hiện từ trước tới nay. Nó có ảnh hưởng to lớn đến vận tải thủy giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, xóa bỏ hành trình dài và nguy hiểm thông qua eo biển Drake và Mũi Sừng (Cap Horn) ở cực điểm nam của Nam Mỹ. Một chuyến đi của tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ vượt qua 9.500 km, chưa tới một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua Cape Horn (22.500 km). Mỗi chuyến đi thông thường của tàu hàng qua kênh đào mất khoảng 8 giờ, còn không qua kênh đào (vòng qua bờ biển Panama) sẽ mất 8 ngày.
Kênh đào Panama do người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1880. Sau khi Pháp bỏ dở vào năm 1893 do gặp khó khăn, Mỹ tiếp tục dự án và hoàn thành vào năm 1914. Việc xây dựng 77 km chiều dài của kênh đào trong rừng rú sình lầy trong hơn ba thập kỷ đã khiến 27.500 công nhân thiệt mạng vì sốt rét, các bệnh tật khác và tai nạn lao động. Đa số chết trong giai đoạn đầu tiên. Kênh đào Panama chính thức mở cửa vào ngày 15/8/1914.
Hành trình một con tàu đi qua kênh đào Panama. |
Sau một quá trình đấu tranh giành quyền kiểm soát kênh đào bắt đầu từ năm 1974, vào ngày 7/9/1977 Tướng Omar Torrijos và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ký Hiệp ước Torrijos - Carter về việc chuyển giao tiếp quản kênh đào và công việc này đã được hoàn thành vào ngày 31/12/1999. Như vậy, Panama chính thức kiểm soát toàn bộ kênh đào từ năm 2000.
Việc rút đi của người Mỹ đã cho phép Panama bán lượng điện dư thừa được sản xuất từ các đập nước của kênh đào. Chỉ 25% lượng điện do các nhà máy thủy điện trong hệ thống kênh đào đã đủ để vận hành toàn bộ Kênh đào Panama.
Hơn 100 năm kể từ khi mở cửa, Kênh đào Panama vẫn tiếp tục là đầu mối liên kết thiết yếu trong thương mại thế giới, chở nhiều hàng hóa hơn trước đây, với chi phí càng ngày càng rẻ hơn.