Khác biệt trước cuộc gặp cấp cao ba bên về Ukraine

Trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Ukraine, Nga và Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 26/8 để bàn về an ninh năng lượng và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, các bên có ảnh hưởng tới tình hình Ukraine vẫn duy trì những lập trường khác nhau trong việc giảm căng thẳng tại đất nước này. Trong khi các nước châu Âu bày tỏ mong muốn giảm căng thẳng, thì Mỹ và một số quan chức chính quyền Kiev lại có phát biểu ngược lại.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Kiev ngày 23/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Đức ARD ngày 24/8, Thủ tướng Angela Merkel đã hoan nghênh cuộc gặp mặc dù cho rằng không dễ đạt được bước đột phá. Bà tin rằng cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua một giải pháp chính trị và EU cũng như Đức đều muốn tham gia vào tiến trình để đạt được một giải pháp.

Thủ tướng Đức cũng một lần nữa bác bỏ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột hiện nay, đồng thời ủng hộ các bên ở Ukraine tiếp tục đối thoại. Thủ tướng Merkel cũng cho rằng tình hình hiện nay ở Ukraine là rất "mong manh" và Đức sẽ nỗ lực hết sức để tìm lối thoát cho cuộc xung đột.

Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố Pháp giữ lập trường cứng rắn với Nga về vấn đề Đông Ukraine, đồng thời vẫn mở cánh cửa đối thoại với nước này. Ukraine cần có quan hệ tốt với cả Nga và EU mặc dù đạt được điều này không dễ, song Pháp sẽ thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng và giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Về phía EU, quan chức EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cũng đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là một cơ hội tốt để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Bà cũng cho rằng Ukraine cần phải xây dựng quan hệ tốt với các nước EU cũng như với Nga.

Một lãnh đạo châu Âu khác, Tổng thống Áo Hainz Fischer phát biểu tại diễn đàn chính trị châu Âu ở thành phố Alpbach của Áo tuyên bố quan hệ giữa Nga, EU và Ukraine cần phải bình thường hóa. Theo ông, để đạt hòa bình và ổn định lâu dài tại châu Âu, cần quan hệ trung thực và công bằng giữa EU và Nga cũng như giữa Nga và Ukraine. Các đối tác cần đối thoại bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Trong khi đó về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố Mỹ sẽ gây thêm áp lực đối với Nga sau khi có thông tin từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về sự can dự của binh sĩ và vũ khí Nga vào các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc của Tổng Thư ký NATO Anders Fog Rasmussen về việc binh sĩ và vũ khí Nga tham gia hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

Còn tại Ukraine, Chủ tịch Quốc hội nước này Alexander Turchinov tuyên bố ngày 24/8 trên kênh truyền hình 5 của Ukraine rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine chỉ bằng biện pháp ngoại giao. Ông tuyên bố :"Tất nhiên vẫn cần đàm phán ngoại giao, không chấm dứt giải pháp hòa bình. Nhưng tôi không tin có thể giải quyết chỉ bằng biện pháp ngoại giao". Ông Truchinov khẳng định chỉ có quân đội Ukraine và lực lượng cận vệ quốc gia mới có khả năng chấm dứt chiến tranh và giải phóng Donesk và Lugansk.


TTXVN/Tin tức
Thủ tướng Đức: Tình hình Ukraine rất 'mong manh'
Thủ tướng Đức: Tình hình Ukraine rất 'mong manh'

Thủ tướng Angela Merkel đã hoan nghênh cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko, song không kỳ vọng nhiều vào kết quả cuộc gặp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN