Theo trang web TimeAndDate.com, vào ngày 29/6, tốc độ quay vòng của Trái đất đã nhanh hơn 1,59 mili giây so với 24 tiếng tròn. Đây dường như là vòng quay nhanh nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu sử dụng đồng hồ nguyên tử vào những năm 1960 để theo dõi tốc độ quay của hành tinh chúng ta.
Năm 2020, tốc độ quay của Trái đất cũng đã tăng lên, khi hiện tượng hoàn thành vòng quay hàng ngày nhanh hơn bình thường xảy ra 28 lần, với lần nhanh nhất là thiếu 1,47 mili giây so với 24 tiếng tròn. Và tốc độ này dường như đang tiếp tục tăng lên.
Mặc dù chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra xu hướng này nhưng TimeAndDate lưu ý rằng nhóm chuyên gia gồm Leonid Zotov, Christian Bizouard và Nikolay Sidorenkov, sẽ đề cập đến khả năng nó có thể liên quan đến hiện tượng biến động xoay “Chandler wobble” (trục quay của hành tinh bị lệch nhẹ so với phần đất rắn) tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Địa chất Châu Á - Châu Đại Dương vào tuần tới.
Ông Zotov cho biết: “Biên độ dao động bình thường của Chandler là khoảng ba đến bốn mét trên bề mặt Trái đất, nhưng từ năm 2017 đến năm 2020, nó đã biến mất”.
Nếu hành tinh của chúng ta tiếp tục quay nhanh hơn, giới chuyên gia cảnh báo nó có thể ảnh hưởng đến các vệ tinh định vị GPS, cũng như các đồng hồ được đồng bộ hóa với Giao thức thời gian mạng (NTP).