Theo hãng thông tấn AFP, bãi rác thải Ghazipur có diện tích tương đương 40 sân bóng đá tọa lạc ở phía Đông New Delhi – nơi được đánh giá là thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới. Đống rác khổng lồ này hiện cao 65 mét và sẽ tiếp tục tăng thêm gần 10 mét mỗi năm.
Với tốc độ tăng nhanh như hiện nay, dự đoán trong năm 2020, núi rác sẽ cao hơn ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đưa ra khuyến cáo họ sẽ phải sớm nâng mức cảnh báo lên cấp độ đỏ đối với các hãng hàng không trong nước khi bay ngang qua bãi rác này do chiều cao vượt mức.
Mở cửa từ năm 1984, bãi rác Ghazipur đáng lẽ đã phải đóng cửa khi đạt mức tối đa công suất vào năm 2002. Tuy nhiên, với mật độ dân số tăng nhanh và mức tiêu thụ ngày càng tăng, rác thải từ khắp thành phố hàng ngày vẫn được dồn về đây trên hàng trăm chiếc xe tải. Mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác được đổ vể Ghazipu.
Trong những hình ảnh hãng thông tấn AFP ghi nhận tại hiện trường, diều hâu và các loài chim săn mồi liên tục đảo lượn xung quanh bãi rác Ghazipur cao chót vót, trong khi những con bò, chó hoang và chuột thường xuyên đến bới tìm thức ăn giữa đống rác hôi thối nồng nặc. Cuộc sống trên bãi rác Ghazipur cũng vô cùng nguy hiểm. Các đám cháy bắt nguồn từ khí metan trong rác thải thường xuyên bùng phát và phải mất nhiều ngày mới có thể dập tắt. Cùng lúc, có hơn 1.000 người nhặt rác, trong đó có nhiều trẻ em đến để thu gom 2.000 tấn rác mỗi ngày.
Năm 2018, một phần của núi rác khổng lồ này đã sụp đổ do mưa lớn làm 2 người thiệt mạng.
Video toàn cảnh núi rác khổng lồ Ghazipur (nguồn: SCMP):
Ngoài ra, thứ dung dịch đặc quánh rỉ ra từ bãi rác thải này chảy vào con kênh bên cạnh có thể gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm. Những người sống gần đó cho biết không khí ở đây độc hại đến mức họ luôn cảm thấy khó thở. Tồi tệ hơn, nhiều người đã gặp phải các vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp và dạ dày cấp tính.
Hồi tháng 1, ô nhiễm không khí ở Delhi đã tăng đến mức khẩn cấp. Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương cho biết chỉ số chất lượng không khí của thành phố này cho thấy nồng độ chất độc trong không khí cao hơn 12 lần so với mức cho phép mà Mỹ quy định.
Để đối phó với tình trạng rác thải ứ đọng, đầu năm 2019, Ấn Độ đã ra lệnh cấm nhập khẩu nhựa phế thải nhằm thu hẹp khoảng cách khả năng phát sinh và tái chế chất thải. Quốc gia cũng cam kết loại bỏ hoàn toàn các loại đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần trong năm 2022.