Những nỗi khổ đã quá quen thuộc với các tài xế ô tô trên toàn thế giới, từ kẹt đường tới “hung thần” đường phố hay thiếu chỗ đậu xe, nay đang đe dọa đẩy giấc mơ của người Hà Lan về niềm hạnh phúc được đạp xe mỗi ngày rơi vào “địa ngục”.
Các thành phố lớn của Hà Lan đang quá tải xe đạp. Ảnh: Internet |
Tại đất nước nhỏ bé, nơi số lượng xe đạp bỏ xa số dân tới 1,2 triệu chiếc, người Hà Lan đang thiếu nghiêm trọng không gian dành cho 5 triệu người đi xe đạp trên đường phố mỗi ngày, khiến việc đi lại tại các thành phố lớn trở thành cơn ác mộng. Chỉ riêng tại thủ đô Amxtécđam, theo thống kê vừa được Hội đồng thành phố công bố trong tuần này, mỗi ngày, có tới 490.000 “fietser” (người đi xe đạp) đổ xuống đường, “phủ sóng” 2 triệu km. “Xe đạp là phương tiện giao thông không thể thiếu trong thành phố của chúng ta, nhưng những con đường nhỏ bé dành riêng cho loại xe thô sơ này đang quá chật hẹp với tốc độ phát triển của các fietser”, Hội đồng thành phố nhận xét.
Ông Wim Bot, đại diện Hiệp hội xe đạp Hà Lan (DCA) - một tổ chức được thành lập từ năm 1975 và hiện có 35.000 thành viên trả phí - cũng đồng ý với điều này. “Tại một đất nước nhỏ bé như Hà Lan, nơi hầu như mỗi mét vuông đều đã kín chỗ, chúng ta đang cạn kiệt không gian”, ông Bot nói.
Người Hà Lan bắt đầu “yêu” xe đạp từ cuối thập niên 1880, khi những “cỗ máy hai bánh xe” kỳ cục lần đầu tiên xuất hiện tại các thành phố lớn. Chỉ hai thập kỷ sau, những con đường dành riêng cho xe đạp đã bắt đầu xuất hiện tại nước này. Sau thời kỳ khủng hoảng, rồi Thế Chiến thứ II - thời kỳ xe đạp bị Đức quốc xã tịch thu đưa về Đức để nấu chảy lấy kim loại - cộng với tình yêu mới dành cho xe hơi, xe đạp chỉ trở lại thịnh hành vào giữa thập niên 1970.
Ngày nay, có khoảng 18 triệu chiếc xe đạp tại Hà Lan, đất nước có diện tích chưa bằng một nửa bang Maine của Mỹ, tương đương tỉ lệ 1,3 chiếc/người. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng thường xuyên đạp xe đi làm. Doanh số bán xe đạp mới đã đạt tới 1,3 triệu chiếc hồi năm ngoái, với doanh thu ước tính 970 triệu euro. Hà Lan cũng có khoảng 35.000 km đường dành riêng cho xe đạp, đan chéo khắp các vùng. Những con đường rải nhựa có màu đỏ đặc trưng dành riêng cho người đi xe đạp, cũng được trang bị hệ thống biển báo, đèn giao thông hiện đại.
Mặc dù đầu tư tốt cho cơ sở hạ tầng phục vụ xe đạp, người Hà Lan vẫn đang phải “trả giá” cho sự phát triển quá nhanh của loại phương tiện thô sơ này. Tờ Trouw mới đây cho biết, tại những thành phố như Amxtécđam và Utrecht, số lượng xe đạp tăng mạnh đã dẫn đến những vấn nạn như kẹt xe, tông xe, ăn cắp xe, thiếu chỗ để hay phóng ẩu,... Hằng ngày, hàng chục ngàn chiếc xe đạp để trái phép, chiếm không gian công cộng cũng như những khu vực dành cho người đi bộ. Bản thân người đi xe thì thường xuyên đau đầu vì không nhớ mình để “chú ngựa sắt” ở chỗ nào.
Các con số thống kê cũng cho thấy tình hình đang trở nên nguy hiểm: 1/4 tổng số vụ tai nạn chết người tại Hà Lan là liên quan đến xe đạp. Năm ngoái, khoảng 200 người đi xe đạp thiệt mạng trên đường phố, đa số là người già. Vấn đề càng tồi tệ hơn kể từ khi chính quyền Hà Lan quyết định mở rộng phạm vi sử dụng đường xe đạp cho trên một triệu xe máy dung tích nhỏ. Loại xe này được phép đi chung đường xe đạp với tốc độ tối đa là 25 km/giờ. “Xe đạp và xe máy đi với hai loại tốc độ khác nhau chung một không gian hẹp, đó là một công thức cho thảm họa”, ông Bot chỉ trích.
Quá tải xe đạp đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức 180 nhà hoạch định chính sách đô thị hàng đầu Hà Lan phải triệu tập một hội nghị tại Đại học Utrecht. Các giải pháp được đề xuất tại hội nghị cũng giống những gì được đưa ra trước đây nhằm đối phó với quá tải ô tô, từ xây các bãi để xe ngầm nhiều tầng cho đến sung công những chiếc xe đỗ bừa bãi. Chỉ riêng tại La Hay, từ tháng 8 đến nay nhà chức trách đã sung công 2.400 chiếc xe đạp đỗ trái phép.
Trong tuần này, chính quyền thủ đô Amxtécđam cũng đã thông báo kế hoạch đầu tư 120 triệu euro nhằm cung cấp 38.000 điểm đỗ xe mới và thêm 15 km “đường đỏ” trong thành phố. Nhưng “đây không phải là vấn đề sẽ được giải quyết trong tuần tới, mà là trong trung và dài hạn”, ông Bot nói và cho rằng, cách tốt nhất để đối phó với cảnh hỗn loạn xe đạp hiện nay là kiên nhẫn.
Thu Hằng