Dưới mái vòm... ô nhiễm

"Dưới mái vòm", một bộ phim tài liệu được phát hành ngày 28/2/2015, có khả năng trở thành bước ngoặt trong cuộc hành trình lâu dài đối phó khủng hoảng môi trường ở Trung Quốc.


Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc.


Khi Rachel Carson viết cuốn sách “Mùa xuân im lặng” năm 1962, nó đã đem đến những lo ngại thực sự về môi trường đối với hàng triệu người dân Mỹ. Và cuốn sách đã tạo ra một cuộc thay đổi lớn về chính sách sử dụng thuốc trừ sâu quốc gia, với việc thuốc trừ sâu DTT và các loại thuốc trừ sâu tổng hợp khác bị cấm sử dụng. Một hy vọng tương tự đang chờ đón “Dưới mái vòm”.Nếu cuốn sách là một lời kêu gọi đanh thép đối với các nhà hoạt động môi trường trong năm 60 của thế kỷ trước, có tác động mạnh mẽ làm thay đổi các chính sách về môi trường của Mỹ và thế giới trong nhiều thập kỷ, thì tại Trung Quốc, một phóng viên điều tra với cái tên Chai Jing đã sản xuất một bộ phim tài liệu gây choáng váng về vấn đề khói mà người ta hy vọng ngày nào đó sẽ trở thành đối thủ của cuốn sách “Mùa xuân im lặng”, cũng tạo ra một bước ngoặt lớn cho phong trào vì môi trường ở Trung Quốc.

Bộ phim tài liệu dài 143 phút đã thu hút được 100 triệu lượt xem chỉ trong hơn hai ngày. Riêng trang mạng phổ biến Tencent có 126 triệu lượt xem và nó đã hoàn thành sứ mệnh gây sự chú ý ở Trung Quốc. Phim tài liệu của Chai đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên các diễn đàn xã hội truyền thông Trung Quốc và có hơn 280 triệu lượt tung lên trang mạng Sina Weibo. Tân Bộ trưởng bảo vệ môi trường của Trung Quốc Trần Cát Ninh, một nhà khoa học môi trường nổi tiếng, đã gửi lời chúc mừng đến nhà báo, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với việc lựa chọn tiêu đề của Chai cho bộ phim tài liệu.


“Dưới máy vòm” cũng là tựa đề của loạt phim khoa học viễn tưởng Mỹ về một thị trấn nhỏ có tên là Chester Mill bị chia cắt với phần còn lại của thế giới bởi một mái vòm khổng lồ, chắc chắn nhưng đầy khói bụi độc hại. Chai so sánh khủng hoảng môi trường hiện tại của Trung Quốc với sự ô nhiễm của thị trấn Chester Mill, nơi toàn bộ thị trấn đầy khói bụi độc hại và không có lối thoát. Bộ phim tài liệu bắt đầu với cảnh một bà mẹ đặt câu hỏi tại sao con gái mới sinh lại có một khối u và sau đó biến thành một cuộc điều tra kéo dài một năm về tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tội tệ tại Trung Quốc. Chai lần theo dấu vết nguồn gốc của vấn đề khói, đi đến các tỉnh sản xuất thép, than như Sơn Tây và Hà Bắc, nơi môi trường chỉ đơn giản là hy sinh cho tăng trưởng GDP. Chai tìm đến các tập đoàn dầu khí lớn của nhà nước luôn từ chối đầu tư sản xuất nhiên liệu cao cấp và giảm thiểu khí thải cũng đang góp phần tạo ra khói bụi dày đặc. Và Chai đã tìm ra nguyên nhân.


Bộ phim tài liệu này cho thấy sức mạnh của ba công ty dầu mỏ lớn đe dọa đóng cửa nguồn cung cấp nếu các cơ quan chính phủ trung ương “đụng nhau” trên sân của họ. Thậm chí ngay cả Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia đầy quyền lực, cơ quan hoạch định kinh tế và điều tiết giá cả của Bắc Kinh, có vẻ không có nhiều quyền lực trước các tập đoàn dầu khí lớn. Bộ phim cũng phản chiếu vào các công ty được gọi là “xác sống”, chủ yếu là các nhà máy thép dựa vào sự giúp đỡ và các khoản vay thấp của chính phủ để tồn tại; đề cập đến những sản phẩm cơ bản, thô của những công ty này mà không ai muốn mua do lợi nhuận thấp. Một quan chức địa phương cho biết “10 triệu tấn thép thành phẩm tương đương với 100.000 việc làm, ai dám đóng cửa.”


Khói trắng phủ kín đường phố một tỉnh phía bắc Trung Quốc.


Căng thẳng giữa chi phí môi trường và bảo vệ việc làm là trọng tâm của cuộc đấu tranh ở Trung Quốc nhằm kìm hãm công suất công nghiệp dư thừa và ngăn chặn khủng hoảng môi trường. Một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim tài liệu nói về sự thất vọng, lý tưởng và cảm giác bất lực của các quan chức bảo vệ môi trường Trung Quốc. Một quan chức nói trước ống kính truyền hình rằng “ông không dám mở miệng, vì nó cho thế giới thấy rằng ông không có răng”.


Có vô số cảnh các quan chức môi trường không thể xử phạt những kẻ gây ô nhiễm hoặc thậm chí ngăn chặn những kẻ phạm tội. Một ông chủ cây xăng nói với các quan chức rằng họ có nhiệm vụ thu thập mẫu từ cửa hàng của ông- đang bán dầu diesel kém chất lượng- nhưng không có quyền xử phạt. Chỉ riêng một chuyện nhỏ như vậy cũng nói lên nhiều điều.


Bộ phim còn đề cập đến thực tế người dân cũng đang hủy hoại môi trường khi đốt than bừa bãi và lái xe khắp nơi dù nơi đến chỉ bằng khoảng cách đi bộ. Ngoài ra, cuối bộ phim còn có cảnh kêu gọi người dân sử dụng điện thoại thông minh ghi lại những cảnh ô nhiễm và đưa lên mạng. Bộ phim còn mang một thông điệp cảnh tỉnh cho các nhà xuất khẩu hàng hóa như Australia vốn dựa vào nhu cầu kinh tế Trung Quốc quá lâu. Rất nhiều quặng sắt nhập khẩu và than đá đã được sử dụng để sản xuất thép thô mà bây giờ đang tích tụ thành bụi ở Hà Bắc.


Dư luận rõ ràng đã áp đảo đứng về nhu cầu tăng trưởng xanh ổn định và bền vững. Như doanh nhân quyền lực nhất Trung Quốc Jack Ma nói, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chẳng là gì khi bạn không còn nhìn thấy bầu trời xanh.



Sơn Hà (Theo EAF)

 

Ô nhiễm không khí Trung Quốc liên quan chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ
Ô nhiễm không khí Trung Quốc liên quan chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ

Không khí ô nhiễm từ Trung Quốc đã bay qua Thái Bình Dương vào khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ, và chủ nghĩa tiêu dùng của Mỹ bị coi là góp phần vào tình trạng này. Đây là kết quả một nghiên cứu khoa học mới công bố trên chuyên san Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN