Du lịch Hy Lạp 'khó thở' vì kiểm soát vốn

Phía sau quầy lễ tân của khách sạn Brown trên hòn đảo Aegina của Hy Lạp, bà chủ Gaby Brown vừa ghi lại số điện thoại của một khách nghỉ đã trả phòng mà không thanh toán. "Có những người không thể thanh toán tiền phòng như vậy đấy bởi họ không rút được tiền từ ngân hàng", bà Brown ca thán. "Bởi vậy tôi nói với họ hãy để lại số điện thoại và địa chỉ và họ sẽ trả tiền cho tôi sau".

Người dân Hy Lạp xếp hàng đợi rút tiền mặt tại ATM của Ngân hàng Alpha ở thủ đô Athens. Ảnh: AFP/TTXVN


Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái suốt 5 năm qua bóp nghẹt nền kinh tế Hy Lạp, ngành du lịch ở "Xứ sở thần thoại" vẫn sống khỏe. Bằng chứng là lượng khách du lịch quốc tế tới Hy Lạp trong năm 2014 tăng 21% lên hơn 24 triệu lượt người. Các khách sạn, nhà hàng và quầy bar dự kiến đạt mức tăng trưởng tương đương trong năm nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở đất nước Địa Trung Hải này ngày càng trầm trọng và Athens đang tiến tới nguy cơ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), những dòng tít tiêu cực và sự chú ý quốc tế vào những khó khăn của nước này đang bắt đầu ảnh hưởng tới ngành kinh tế mũi nhọn.

Các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt để bảo vệ các ngân hàng Hy Lạp đã hạn chế người dân và cả khách du lịch rút tiền mặt từ các máy rút tiền tự động, trong khi các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố làm dấy lên những lo ngại về sự bất ổn định chính trị rộng lớn hơn. Nhiều khách du lịch đã hủy các chuyến đi tới Hy Lạp trong khi những người khác vẫn đến nhưng phải mang theo nhiều tiền mặt trong ví để đề phòng.
"Tình hình lúc này rất tệ", bà Brown nói khi cho biết bà đã phải cho một số nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm chi phí. "Hôm nay chúng tôi gần như chẳng có vị khách nào ngoài 2 người nước ngoài".

Tháng 7 đến cũng là bắt đầu mùa cao điểm du lịch nhưng trong thời điểm hiện nay thì có lẽ từ "khó khăn" không đủ để mô tả tình hình kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng, quán rượu và dịch vụ phà Hy Lạp. Theo Liên minh vận hành phà Hy Lạp, lượng khách đặt chuyến du lịch xung quanh các đảo của nước này đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do ít khách, chủ phà phải gộp chuyến để tiết kiệm nhiên liệu.

Ông Constantine Michalos, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hy Lạp, cho biết du lịch là ngành công nghiệp trụ cột của kinh tế Hy Lạp nhưng cuộc khủng hoảng nợ công ở nước này cùng với việc áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn đã khiến một bộ phận khách du lịch e ngại đến với Hy Lạp. Ông Michalos cũng bày tỏ lo ngại rằng việc cử tri nước này nói "Không" với các biện pháp khắc khổ mà các chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy cứu trợ tài chính trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 sẽ khiến tình hình thêm phần bi đát.

Đối với các hòn đảo mà nền kinh tế trông cậy gần như hoàn toàn vào du lịch như Mykonos, Santorini hay Rhodes, bất luận cuộc trưng cầu có kết quả thế nào thì họ cũng đều chịu ảnh hưởng. Thứ nhất, chấm dứt ưu đãi thuế đối với khu vực dịch vụ và bán lẻ tại các đảo du lịch là một yêu cầu chính của các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mà Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã từ chối chấp nhận. Đây cũng chính là lý do khiến ông Tsipras kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để người dân quyết định.

Thứ hai, các chủ nợ cũng yêu cầu Hy Lạp phải tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng Athens lại muốn duy trì việc miễn VAT cho các đảo nhằm thúc đẩy doanh thu và bù đắp phần nào chi phí vận chuyển hàng hóa tới đây. Giới chức Hy Lạp cho rằng hủy bỏ việc miễn VAT sẽ tác động mạnh tới kinh doanh du lịch của các đảo ở thời điểm họ đang dễ bị tổn thương nhất.


Đỗ Sinh (Theo FT)
Nhà giàu Nga đổ xô mua bất động sản Hy Lạp
Nhà giàu Nga đổ xô mua bất động sản Hy Lạp

Giá bất động sản giảm mạnh ở Hy Lạp khiến các biệt thự "sang trọng" ở nước này ngày càng thu hút giới đầu tư Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN