Hoạt động trên đường phố ở Brussels. |
Ngày 21/11/2015, Brussels nâng cấp độ cảnh báo an ninh lên mức 4 (mức cao nhất), hạ về mức 3 một tuần sau đó và giữ nguyên đến nay. Theo ghi nhận, tại thời điểm hiện nay giữa bối cảnh an ninh thắt chặt, các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng và khách sạn vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể tìm lại đà tăng trưởng như năm 2014.
Trở lại ngày 21/11/2015, hệ thống tàu điện ngầm, trường học, nhà trẻ, trung tâm văn hóa và thể thao, trung tâm thương mại và một số đơn vị hành chính công phải đóng cửa. Trong trí nhớ của người dân, những con phố hầu như không có bóng người. Xe tăng xuất hiện trên quảng trường Grand-Place.
Cuộc tấn công ngày 22/3 tại Brussels càng làm những vấn đề kinh tế của thủ đô trở nên trầm trọng hơn. Sau 1 năm, tình hình tuy có cải thiện nhưng nhìn chung các hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể lấy lại được nhịp độ.
Trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng, du lịch là ngành hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Từ khi cảnh báo mức 4 được thiết lập, tình trạng khách hủy bỏ các chuyến du lịch tới Brussels gia tăng rõ rệt. Chỉ riêng ngày 23/11/2015, các khách sạn tại Brussels ghi nhận tới 2.000 lượt khách hủy đặt phòng.
Đến tháng 12/2015, tỉ lệ lấp đầy phòng khách sạn là 70%, giảm 20% so với năm trước đó. Tỉ lệ các phòng khách sạn hoạt động vào tháng 11/2015 là 73,7% và hiện tại tỉ lệ đó chỉ đạt 60,5%, giảm tới 14,9%.
Theo ông Patrick Bontinck, giám đốc công ty du lịch VisitBrussels, tháng 1 vừa qua, công ty đã chi 4 triệu euro để xúc tiến các chương trình thu hút khách du lịch từ các quốc gia láng giềng. Với khách du lịch ở các nước xa hơn như Trung Quốc và Mỹ, công việc này còn đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Trong khi đó, chính quyền vùng Brussels cũng cân nhắc việc tiếp tục những biện pháp hỗ trợ kinh tế nhằm giúp phục hồi các hoạt động du lịch. Các cơ sở kinh doanh khách sạn sẽ được miễn thuế nội đô cho đến hết năm nay. Bên cạnh đó, từ năm 2017 sắc thuế này sẽ được thay đổi tùy theo khu vực nhằm loại bỏ sự chênh lệch giữa các vùng.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng khác
Kinh doanh khách sạn không phải là lĩnh vực duy nhất chịu ảnh hưởng. Trong thời gian qua, rất nhiều bảo tàng đã phải đóng cửa. Tháng 8/2016, các bảo tàng và điểm tham quan tại Brussels đón 279.000 lượt khách, giảm 29,5% so với năm 2015.
Theo báo cáo của VisitBrussels, từ đầu năm nay, thiệt hại về doanh thu du lịch đã lên tới 25,9%. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó một số điểm sáng vẫn le lói hiện lên. Một số cuộc triển lãm đã diễn ra và gặt hái thành công. Riêng cuộc triển lãm về chú bé phù thủy Harry Potter còn đạt số lượng người xem kỉ lục và được kéo dài ngày triển lãm.
Về thương mại, kim ngạch trao đổi cũng rất thấp giữa lúc việc đi vào khu vực trung tâm Brussels khó khăn do một số hầm đường bộ phải đóng cửa. Tính từ tháng 4 đến nay, lượng người đi lại trong khu vực trung tâm, nhất là trên phố thương mại Neuve nổi tiếng nhất của Bỉ, giảm rõ rệt.
Để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ vùng thủ đô đã bơm 3 triệu euro thông qua cơ quan xử lý khủng hoảng. Trong 6 tháng vừa qua, 238 chủ doanh nghiệp đã tiếp xúc với cơ quan này và 94 doanh nghiệp đã được hưởng trợ giúp tài chính từ nguồn trên. Theo Bộ trưởng Kinh tế Didier Gosuin, chính quyền các cấp phối hợp với nhau rất khẩn trương.
Tuy nhiên, bất chấp sự trợ giúp doanh nghiệp nhận được, các sự kiện đánh bom tại Paris và Brussels đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vào tháng 9 và 10 vừa qua, cơ quan chức năng ghi nhận con số doanh nghiệp phá sản tăng và đang tiếp tục theo dõi tình trạng dường như còn tiếp diễn này.
Điểm đáng mừng là, một năm sau khi mức cảnh báo an ninh cao nhất được đưa ra, hoạt động đầu tư kinh doanh trong các khu phố Brussels vẫn diễn ra.