Du lịch Ai Cập bên bờ vực phá sản

Trong những năm 1990, dọc bờ biển của khu vực biển Đỏ (Ai Cập) không có khách sạn. Du lịch biển chỉ phát triển tại đây sau các vụ khủng bố ở khu vực thung lũng sông Nile. Đến cuối những năm 1990, Sinai và những bãi biển đẹp như thiên đường vẫn rất ít khách du lịch.


Thời điểm đó, Chính phủ Ai Cập đã quyết định phát triển mạnh hoạt động du lịch biển và nghỉ dưỡng sang trọng tại Sinai. Nhưng giờ đây, sau vụ máy bay Nga bị rơi, ngành du lịch của Sinai đứng bên bờ vực phá sản.

Cuối thế kỷ 20, Ai Cập từng là một điểm đến nổi tiếng đối với du khách quốc tế với những kim tự tháp và các đền đài tại thung lũng sông Nile. Lúc đó, nhiều yếu tố góp phần tạo nên một sự đảo ngược hoàn toàn đối với bản đồ du lịch cũ của Ai Cập, khi vùng Thượng Ai Cập bị bỏ rơi, còn các vùng bờ biển được phát triển mạnh. Sinai đã từng bị Israel chiếm đóng đến năm 1982, thời điểm vùng này còn là một vùng lãnh thổ gần như hoang sơ, không có hạ tầng du lịch. Nhà nghiên cứu Leïla Vignal nhấn mạnh: sự phát triển nhanh của ngành khách sạn Ai Cập là nhờ chính sách mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân sau nhiều thập niên bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Sharm el - Sheikh ở Ai Cập ngày 6/11. Ảnh: Xinhua/TTXVN


Với sự phát triển này, Ai Cập bước vào kỷ nguyên phát triển du lịch. Từ 3 triệu du khách mỗi năm ở thời điểm cuối những năm 1990, "đất nước kim tự tháp" 20 năm sau đó hàng năm đón hơn 10 triệu du khách. Năm 2008, 12,8 triệu du khách quốc tế đã đến Ai Cập, chủ yếu tập trung ở các khu nghỉ dưỡng tại Sinai. Cũng năm đó, theo số liệu của tạp chí European Journal of Geography, 2/3 số khách sạn tại Ai Cập tập trung tại Sinai và dọc bờ biển của Biển Đỏ.

Nhưng ngành du lịch của Ai Cập không chỉ hướng đến Sinai vì lý do kinh tế. Cuối những năm 1990, thung lũng sông Nile bị ảnh hưởng bởi hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào du khách phương Tây. Ngày 17/11/1997, sáu người có vũ trang thuộc tổ chức khủng bố Hồi giáo al - Gama’a al - Islamiyya đã nổ súng vào các du khách ở gần Louxor, làm 62 người thiệt mạng trong đó có 58 du khách nước ngoài. Đó là vụ khủng bố kinh hoàng nhất nhằm vào ngành du lịch của khu vực này. Thời điểm đó, những người dân Louxor đã nói: "Du lịch là cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi sẽ chết nếu du khách ngừng đến đây". Theo Trung tâm nghiên cứu Moshe Dashan, thu nhập của ngành du lịch Ai Cập giảm nhẹ trong giai đoạn 1997 - 1998 sau vụ tấn công khủng bố vào Louxor.

Trên trang Twitter, nhà báo Claude Guibal cho biết du lịch tại Sinai ít phát triển do sự chiếm đóng của Israel và tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở. Sự phát triển du lịch ở Sinai chỉ bắt đầu khoảng năm 2000. Nhiều khu nghỉ dưỡng mọc lên khắp nơi dọc bờ biển giúp du lịch phát triển.

Nhưng sự phát triển của ngành du lịch làm cho nền kinh tế Ai Cập phụ thuộc vào nó, cũng giống như trường hợp các nước vùng Vịnh phụ thuộc vào dầu mỏ. Năm 2010, tạp chí European Journal of Geography đã phân tích: "Một trong những vấn đề đặt ra đó là tính bền vững của khai thác du lịch ở những vùng bờ biển. Sự phát triển các khu vực này gắn với những yếu tố bên ngoài như du khách hay nhà đầu tư, và có thể bị đe dọa bởi bối cảnh quốc tế hay khu vực không thuận lợi".

Ai Cập cũng ngày càng phụ thuộc vào du khách Nga. Theo số liệu của Bộ Du lịch Ai Cập, năm 2014, đất nước "kim tự tháp" đã đón ba triệu du khách Nga, cứ 5 du khách thì có một người đến từ Nga. Sau sự kiện Mùa Xuân Arập và bất ổn chính trị theo sau đó, du khách Nga trở thành "nguồn sống" chính đối với ngành du lịch Ai Cập.

Từ 14 triệu du khách năm 2010, số lượng khách quốc tế đã giảm xuống còn 9 triệu và đã tác động mạnh đến nền kinh tế của Sinai. Và nguy cơ này sẽ tăng cao hơn nữa nếu như vụ nổ máy bay Nga vừa qua trên bầu trời Ai Cập được xác định là có bàn tay của chủ nghĩa khủng bố.

Thanh Bình
Thảm kịch rơi máy bay Nga - "Đòn nặng" giáng vào du lịch Ai Cập
Thảm kịch rơi máy bay Nga - "Đòn nặng" giáng vào du lịch Ai Cập

Nét hấp dẫn của đất nước Kim tự tháp có nguy cơ bị mất đi sau thảm kịch rơi máy bay Airbus 321-200 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) làm 224 người thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN