Gần đây, cô Joo Young-hyun đã mang các chậu hương thảo và hoa oải hương tự trồng đến một cơ sở chăm sóc chuyên biệt ở Seocho-gu, Seoul, để được thăm khám sau khi lá của chúng bắt đầu rủ xuống và rụng dần.
Được chính quyền thành phố Seoul ra mắt vào tháng 4, bệnh viện dành cho cây xanh này nằm bên trong Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Seoul, cung cấp các dịch vụ chăm sóc và tư vấn miễn phí cùng chuyên gia.
Bác sĩ bắt bệnh cho cây của cô Joo là thừa nước, làm giảm oxy trong đất. Rễ cây đã bị thối một phần do úng nước. Để hồi sinh những cái cây yêu quý vốn là quà do bố mẹ cô tặng, cô Joo đã đồng ý với các biện pháp xử lý mà bác sĩ cây trồng đưa ra, bao gồm thay chậu, thay đất, tưới nước và chiếu sáng cẩn thận.
Sau 10 ngày được chăm sóc tích cực tại bệnh viện, các chậu cây thảo mộc đó đã hồi phục và được xuất viện về nhà. “Một số người tự chữa cho cây bị úng nước bằng mẹo qua các video trên YouTube, nhưng tôi sợ không thành công. Tôi cần sự giúp đỡ của các chuyên gia. Cây cối không khác gì thú cưng cả. Người trồng còn đặt cả tên cho chúng”, cô gái này chia sẻ.
Cô Joo Young-hyun là một trong nhiều người ở Hàn Quốc xem cây cối không chỉ là vật trang trí.
Những người yêu cây thường có một vườn cây ngay tại nhà để nuôi dưỡng nhiều loài cây khác nhau, coi chúng như những người bạn đồng hành.
Một lệnh tìm kiếm với hashtag “cây cảnh” hoặc “quản gia cây trồng” bằng tiếng Hàn trên Instagram sẽ hiện ra hàng chục nghìn bức ảnh và video ngắn được chia sẻ bởi những người trồng cây tại gia.
Cô Han, nhân viên văn phòng 31 tuổi ở Seoul, cho biết tưới cây và ghi lại sự lớn lên của cây bằng camera sau giờ làm việc đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của cô. Cô nói thêm: “Nhìn mầm cây mọc lên từ những hạt nhỏ, tôi cảm thấy kinh ngạc về điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Trong bối cảnh bùng nổ xu hướng trồng vườn tại nhà ở Hàn Quốc, thành phố Seoul cũng đã mở các phòng khám thực vật quy mô nhỏ ở bốn quận để tư vấn chuyên môn và các phương pháp điều trị đơn giản cây trồng. Trong trường hợp cây cối cần được hỗ trợ chuyên sâu hơn, người trồng có thể tìm đến bệnh viện tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Seoul.
“Bệnh viện và phòng khám thực vật là nơi mà thực vật có thể được chẩn đoán và kê đơn... cũng như vật nuôi được chăm sóc thú y khi chúng bị bệnh. Chúng tôi muốn giúp người dân tìm thấy sự ổn định về cảm xúc và sức khỏe thể chất thông qua cây trồng”, ông Park Jae-yong, quan chức chính quyền thành phố Seoul, tuyên bố.
Mức độ phổ biến gia tăng gần đây của các loại cây trồng trong nhà đã tiếp thêm sức sống mới cho các công ty khởi nghiệp "planterior” tại địa phương. "Planterior" là thuật ngữ mới kết hợp giữa cây cối và nội thất, hàm ý sử dụng thực vật trong thiết kế nội thất.
Các mô hình kinh doanh mới như cửa hàng bán giống cây tuyển chọn và vật dụng làm vườn trong nhà cũng như dịch vụ chăm sóc cây trồng đã xuất hiện.
Thương hiệu làm vườn Macho's Sachunki đã mở một cửa hàng phục vụ như “cơ sở chăm sóc bán trú” cho thực vật. Mọi người đem cây đến gửi cửa hàng trong thời hạn tối đa hai tuần. Các chuyên gia làm vườn ở đó sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ bản như thay chậu, làm sạch và tưới nước miễn phí.
Một công ty khởi nghiệp về trồng trọt khác, Sikmul Hall, cung cấp dịch vụ chăm sóc cây trồng tận nhà nhắm vào những người mới tập tành trồng cây hoặc nhân viên văn phòng bận rộn.
Nhân viên Sikmul Hall sẽ đến chăm cây tại nhà khi khách hàng đi vắng, đồng thời tư vấn chuyên môn về ánh sáng mặt trời hoặc thay chậu.
Những người yêu cây cho biết sở thích của họ được bắt nguồn mong muốn được “chữa lành” cảm xúc.
Theo kết quả khảo sát trên 874 người trồng cây tại nhà của Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc từ tháng 9 đến tháng 10 năm ngoái, 55% số người được hỏi cho biết họ trồng cây để được ổn định về mặt cảm xúc. 27% cho biết họ chuyển sang trồng cây để thanh lọc không khí, trong khi 14% cho biết muốn tô điểm cho nhà cửa bằng vẻ đẹp của hoa lá.
Một số chuyên gia cho rằng việc phong tỏa và hạn chế tiếp xúc do đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tìm đến sự thoải mái từ thiên nhiên.
Giáo sư tâm thần học Jo Young-tak tại Bệnh viện Thánh Tâm Kangdong cho biết: “Mong muốn tương tác với thiên nhiên theo bản năng của mọi người, vốn bị hạn chế bởi COVID-19, đã thúc đẩy người dân trồng cây tại nhà”.
Giáo sư này giải thích rằng khi chạm tay vào đất và cây cỏ, con người có cảm giác được kết nối với thiên nhiên. Họ cũng có thể cảm thấy được đền đáp khi nhìn cây cối do mình chăm bón lớn lên từng ngày. Những cảm xúc tích cực này kích hoạt giải phóng serotonin, thường được gọi là “hoocmon hạnh phúc” trong não, giúp xoa dịu cảm giác lo lắng và trầm cảm.