Dân số giảm, làng ở Tây Ban Nha phải đóng trường vì không có học sinh

Nếu tình trạng giảm dân số tiếp diễn với tốc độ hiện tại, ngôi làng nhỏ trên 1.300 tuổi Pitarque nằm dưới chân núi Aragon phía Đông Tây Ban Nha sẽ bị bỏ hoang vào năm 2046.

Chú thích ảnh
Thày giáo Alberto Toro ôm chia tay hai học sinh sắp chia tay trong ngày mở cửa cuối cùng của trường học. Ảnh: Reuters 

Theo hãng tin Reuters, việc đóng cửa trường học duy nhất của ngôi làng vào cuối tháng trước khi hai trong số bốn em học sinh trong trường chuyển đi cùng gia đình có thể sẽ kéo dài vĩnh viễn đối với ngôi làng đang có 69 cư dân sinh sống này. Trong giai đoạn hoàng kim cách đây 1 thế kỷ, ngôi làng có trên 1.000 người đến ở. Nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và chỉ một nửa trong số đó dành những tháng ngày mùa đông lạnh giá tại Pitarque.

Suy giảm dân số là một thách thức lớn ở Tây Ban Nha, nơi có 47 triệu dân với 80% sống ở thành thị. Khu vực đông dân cũng chỉ chiếm 13% lãnh thổ, một khoảng cách lớn so với 68% ở Pháp và 60% ở Đức.

Các làng có nguy cơ giảm dân số chiếm 42%, trong khi tỷ lệ trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 10%. Tỉnh Teruel, bao gồm làng Pitarque, là một trong những tỉnh ít dân cư nhất của EU.

Alberto Toro, 42 tuổi, một giáo viên địa phương đến Pitarque cách đây 14 năm. Có những thời điểm lớp anh chỉ có chưa đầy 10 học sinh. Người giáo viên này đã điều chỉnh cách dạy của mình cho phù hợp.

“Trường học là cỗ máy để thay đổi và phát triển. Một khi trường học đóng cửa, điều đó có nghĩa là khu vực đó đã trở nên trì trệ”, Toro nói và chia sẻ anh đang tìm điểm đến tiếp theo.

Cậu học sinh Eloy 12 tuổi sẽ chuyển đến một trường học ở làng khác cách đó vài kilomet. Eloy bày tỏ em sẽ rất nhớ thầy giáo Toro – người mà em coi như người cha thứ 2 của mình.

Chính phủ Tây Ban Nha đã cam kết phân bổ 4,3 tỷ euro từ EU để mở rộng các dịch vụ công nhằm ứng phó với tình trạng giảm dân số. Tuy nhiên, người dân địa phương lo ngại điều đó có thể là quá muộn đối với Pitarque.

Bà Pakita Iranzo, mẹ của Eloy, cho hay: "Đóng cửa trường học có nghĩa là dấu chấm hết của ngôi làng. Có lẽ chúng tôi sẽ chỉ trở thành một ngôi làng cuối tuần, vì không có hoạt động gì từ thứ 2 đến thứ 6”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Các quốc gia Đông Á đau đầu với thảm hoạ dân số vì xu hướng không sinh con
Các quốc gia Đông Á đau đầu với thảm hoạ dân số vì xu hướng không sinh con

Nhật Bản từ lâu đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dân số tồi tệ nhất. Giờ đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, trong khi tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN