Cuộc đua trồng 'siêu thực phẩm'

Australia và Mỹ - hai nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - đang tranh đua trở thành nước sản xuất đại trà “siêu thực phẩm” diêm mạch (quinoa) và tham gia vào thị trường thực phẩm không chứa gluten (một loại protein khó tiêu) dự kiến trị giá hơn 6 tỉ USD vào năm 2018.    
              

Đối với những người nông dân trồng lúa mì Australia thường xuyên phải vật lộn với tình trạng khô hạn, điều hết sức quan trọng là loại cây có hạt cho dinh dưỡng gần giống ngũ cốc này có thể thích ứng với các dạng thời tiết khắc nghiệt. Diêm mạch được bán với giá cao 3.000 USD/tấn trong khi giá lúa mì chỉ dưới 300 USD/tấn.

Diêm mạch là lương thực chính của nông dân vùng núi Andes từ hàng nghìn năm qua và giá trị của nó đã khiến các quốc gia phương Tây luôn quan tâm. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2007-2012, nhu cầu đối với diêm mạch tăng 300%. Vì vậy, các nhà cung cấp truyền thống là Bolivia, Peru, Chile và Ecuador đang căng sức trong việc đáp ứng nhu cầu từ các nước phương Tây. Trong giai đoạn 2007-2009, giá diêm mạch tăng gấp đôi và tăng liên tục không thể kiểm soát cho tới khi đạt đỉnh vào năm 2014. Nhu cầu diêm mạch tẩm gia vị cũng không giảm.

Cánh đồng diêm mạch ở Bolivia.


Theo báo cáo năm 2013 của Công ty Research and Markets, quy mô thị trường thực phẩm không chứa gluten toàn cầu được dự báo tăng 10%/năm và ước đạt 6,2 tỉ USD vào năm 2018. Hạt diêm mạch được ưa chuộng vì có lượng protein cao, không chứa gluten và là thực phẩm duy nhất chứa tất cả các axit amin quan trọng, các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết. Các nhà khoa học Australia cho biết họ cần khoảng ba năm để phát triển diêm mạch ở một quốc gia có khí hậu khô, nóng.

Trong khi đó, nông dân Mỹ trồng diêm mạch từ những năm 1980 song chưa sản xuất đại trà. Trang trại White Mountain ở vùng núi đá Colorado phía Nam, với điều kiện thuận lợi là núi cao và khí hậu thích hợp trồng loại hạt này, là một trong những nơi sản suất diêm mạch lớn nhất. Kevin Murphy, Phó giáo sư về giống cây trồng Đại học bang Washington và một chuyên gia về hạt diêm mạch, cho biết: “Theo ước tính của tôi, sẽ cần khoảng 4 tới 5 năm nữa để phát triển các loại giống phù hợp với các khu vực khác nhau ở Mỹ. Những người nông dân sáng tạo và chấp nhận rủi ro trồng thử nghiệm diêm mạch gặp nhiều khó khăn song kết quả đạt được ngày một khả quan hơn”.   

Những người nông dân Australia, từ vùng đất đỏ Tây Bắc tới hòn đảo phía Nam Tasmania, đang trồng thử nghiệm diêm mạch. Tại Sydney, chuỗi cửa hàng McDonald’s đã đưa hạt diêm mạch vào thực đơn của café “The Corner” - một thương hiệu mới của McCafe - nhằm tiếp cận thị trường thực phẩm tự nhiên đang bùng nổ. Tuy vậy, một trong những rào cản lớn đối với những nông dân Australia là diêm mạch được trồng ở khu vực núi cao vào mùa hè. Do đó, ở những khu vực không có núi, người ta đang thử trồng diêm mạch ở khu vực có độ cao ngang bằng mực nước biển và vào mùa đông.   

Chuẩn bị đối phó với việc sản xuất diêm mạch quy mô lớn, Bolivia đang hướng tới thành lập một thương hiệu độc đáo “Diêm mạch chính hiệu” bán sản phẩm chất lượng cao. Gary Rodriguez, người đứng đầu Viện nghiên cứu Ngoại thương Bolivia nhận định: “Các kế hoạch của Australia và Mỹ dự kiến sẽ mang tới nguồn cung diêm mạch lớn hơn. Sẽ có thêm những cạnh tranh nảy sinh từ quan điểm thương mại giữa những nước đang nỗ lực sản xuất diêm mạch. Hiện có ít nhất 50 quốc gia đang sẵn sàng sản xuất diêm mạch vì mục đích thương mại”.   

Tuy vậy, với bà Candy Condori, chủ trang trại trồng diêm mạch ở khu vực Puno của Peru nằm ở phía Nam dãy Andes, mối đe dọa về một “Thế giới diêm mạch mới” không phải là điều đáng lo ngại. Bà nói: “Diêm mạch luôn được trồng ở đây, kể từ thời cha ông của chúng tôi và sẽ luôn như vậy”.

Bà và những chủ trang trại láng giềng biết rằng thế giới đang "rất khát khao" loại thức ăn truyền thống đó, vì vậy họ sẽ hoạch định việc bắt đầu sử dụng các thiết bị nông nghiệp hiện đại như máy hái đập có động cơ nhằm đẩy mạnh quá trình sản xuất, đồng thời chứng minh rằng diêm mạch của họ được trồng hữu cơ hoàn toàn và bán ra với giá cả hợp lý hơn. 

    
Đỗ Thị Sao Băng


Brazil sản xuất gel chống lây nhiễm HIV
Brazil sản xuất gel chống lây nhiễm HIV

Các nhà khoa học Brazil đã sản xuất thành công một loại gel (keo) bôi có nguồn gốc từ đậu tương, giúp phụ nữ phòng ngừa sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN