“Cuộc chiến” với thức ăn lãng phí

Thế giới của chúng ta đang tồn tại một thực tế đáng buồn: Trong khi hơn một tỷ người trên Trái Đất sống trong cảnh đói ăn thì mỗi năm ở Hồng Công (Trung Quốc) nói riêng và một số quốc gia giàu có nói chung, người ta bỏ phí hàng chục triệu tấn thức ăn.

Chỉ mới cách đây vài năm, các thực khách ở nhiều nhà hàng Hồng Công vẫn có thói quen gọi đồ ăn nhiều hơn mức cần thiết và không có thói quen mang đồ ăn thừa về nhà.


Thống kê từ Bộ Môi trường khu hành chính đặc biệt này cho thấy, trong năm 2009, người Hồng Công thải trung bình hơn 8.900 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 3.200 tấn (chiếm 37%) là thức ăn thừa. Con số này tương đương với 0,47 kg/người/ngày, ngang với những quốc gia phát triển.

Một điều tra của tổ chức môi trường "Người bạn của Trái Đất" phát hiện ra rằng, mỗi bữa tiệc cưới có 27 bàn ăn thải ra 105 kg thức ăn thừa, trong đó có những món ăn không hề được thực khách đụng đũa vào.


Ông Michelle Au, một quan chức thuộc tổ chức này và là người phát động chiến dịch giảm thức ăn tại các bữa tiệc, cho biết: "Số thức ăn đó có thể đủ cho 200 trẻ em”. Ông kêu gọi: “Hãy giảm hai món ăn trong thực đơn, mang thức ăn thừa cho chó mèo hoặc tốt hơn là mang đồ ăn về nhà".

Trước thực trạng đó, chính quyền Hồng Công trong nhiều năm qua đã nỗ lực áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đồ ăn bị bỏ phí. Trong bối cảnh ba bãi chôn rác thải đang dần hết chỗ trống, năm 2008, chính quyền Hồng Công đã thành lập một nhà máy thử nghiệm để xử lý rác thải thức ăn.

Bàn tiệc thường là nơi xuất phát của thức ăn thừa. Ảnh: Internet


Đến cuối năm 2009, nhà máy này đã xử lý được 230 tấn rác thải thức ăn và dùng để sản xuất hơn 50 tấn phân trộn. Hiện tại, một nhà máy quy mô nhỏ với giá trị hơn 62 triệu USD đang được xây dựng ở đảo Lantau và sẽ đi vào hoạt động năm 2014 với công suất xử lý 200 tấn rác thải thức ăn mỗi ngày.


Tuy nhiên, nhà máy này cũng sẽ chỉ xử lý được chưa đến 1/10 lượng thức ăn thừa hàng ngày.

Theo hãng tin Kyodo, Bộ Môi trường Hồng Công đang tập trung vào chiến lược giảm thức ăn thừa và tái chế rác thải thức ăn thành những sản phẩm có ích.


Bộ đã phát động các hoạt động giáo dục, truyền thông để nâng cao ý thức tiết kiệm trong các khu vực công cũng như tư nhằm tránh bỏ phí và giảm thức ăn thừa. Hồng Công còn có một quỹ trị giá 150 triệu đôla Hồng Công dành cho chương trình giáo dục các em học sinh có thói quen ăn uống tốt, không bỏ thừa đồ ăn.

Không chỉ thế, đặc khu hành chính này còn có một chương trình huấn luyện cho nhân viên các nhà hàng, khách sạn và khu mua sắm lớn trong việc quản lý đồ ăn thừa.


Bước đầu, đã có ba nhà hàng và cơ sở bán thức ăn nhanh cùng với hai khu mua sắm tham gia chương trình này. Các nhân viên được học cách trữ đồ ăn thừa hoặc xử lý chúng thành phân bón.


Chính quyền Hồng Công còn đang cân nhắc việc thu thêm phí đối với những gia đình và doanh nghiệp nào có rác thải là đồ ăn thừa.

Nhờ những biện pháp của chính quyền cộng với thay đổi suy nghĩ và giá thực phẩm leo thang, những người có thói quen tổ chức tiệc tùng phô trương đã lưu tâm hơn đến vấn đề thức ăn thừa.


Ông Simon Wong, Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng và ngành thương mại có liên quan ở Hồng Công, nhận định: "Hành vi của khách hàng bắt đầu thay đổi trong hai hay ba năm trở lại đây.


Thông thường, đồ ăn thừa thãi thể hiện sự giàu có nhưng gần đây nhiều thực khách có quan hệ thân thiết với chủ bữa tiệc có thể mang thức ăn thừa về nhà để tránh lãng phí".

Theo ông Wong, mấu chốt của việc cắt giảm thức ăn thừa không chỉ là tìm cách giảm và tái chế đồ ăn thừa mà là tìm cách thay đổi suy nghĩ của người dân. Ông nói: "Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là một nhân tố dẫn đến tình trạng nhiều đồ ăn bị bỏ thừa.


Khi kiếm tiền và tiêu tiền trở nên dễ dàng, người ta có thể không còn trân trọng thức ăn nhiều như trước nữa.

Hồng Công và cả Trung Quốc đại lục đang nếm trải thực tế này". Ông Wong cho biết, nhiều người gọi nhiều đến nỗi không có đủ chỗ để đặt đĩa thức ăn trên bàn.


Điều này là không cần thiết và không hợp thời khi xu hướng hiện nay là tập trung vào chất lượng thức ăn chứ không phải số lượng. Ông Wong kết luận: "Với tình hình lạm phát cao như hiện nay, người dân đang dần cảm thấy chi tiêu khó khăn hơn. Họ cần thời gian để học cách tiết kiệm như ngày trước".

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN