Người đàn ông 63 tuổi này nói: “Thứ âm thanh đó cũng tồi tệ như là hút thuốc lá bị động. Nó đủ để khiến hầu hết mọi người loạn trí”. Thứ nhạc “đóng hộp” sẵn đó phổ biến ở các cửa hàng ở Anh và các nơi công cộng. Phổ biến đến mức người ta có cảm giác đi đâu cũng khó có không gian yên tĩnh. Đấu tranh suốt 24 năm qua nhưng tổ chức Pipedown của ông Rodgers gần đây mới có một thành công đáng kể.
Một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu ở Anh là Marks and Spencer cho biết sẽ chấm dứt bật nhạc tại cửa hàng sau khi nhận được một lá thư có chữ ký của hàng trăm người thuộc tổ chức Pipedown. Tập đoàn này hi vọng có thể thuyết phục các nhà bán lẻ lớn khác làm theo.
Ông Nigel Rodgers đứng bên ngoài một cửa hàng Marks and Spencer trên phố Oxford. |
Ngồi nhấp tách trà trong một quán cà phê tại Marks and Spencer, ông Rodgers tỏ ra thoải mái vì không phải nghe thứ âm thanh nhức đầu từ chiếc loa. Ông cảm thấy mình như tách khỏi khu phố mua sắm sầm uất nhất London cách đó chỉ vài nhà. Theo ông, xã hội hiện đại đã khiến thế giới ngày càng ồn ào, gây ra những vấn đề về sức khỏe như giảm thính lực, tăng huyết áp. Ông Rodgers nói: “Chúng ta sống trong một môi trường ồn ào không ngớt. Chúng ta đang bị kích động liên tục theo cách không mong muốn”.
Ông Rodgers đã thành lập tổ chức Pipedown khi 38 tuổi sau khi quá giận dữ với âm nhạc ồn ào trong một nhà hàng mà ông đang ăn tối với bạn gái. Tổ chức này ngày càng nhiều thành viên. Họ thường đi mua sắm và mang theo các tờ rơi giải thích một cách lịch sự về thứ âm nhạc được bật trong các cửa hàng và phát cho nhân viên trong cửa hàng. Ông Rodgers giải thích: “Đây không chỉ là lo lắng thái quá mà là một vấn đề lớn hơn nhiều. Quan điểm có thể thay đổi rất nhanh. Tôi hi vọng quyết định của Marks and Spencer có thể đánh dấu là một điểm khởi đầu”.
Trái với quan điểm của ông Rodgers, các nhân vật trong giới kinh doanh lý luận rằng âm nhạc bật trong các cửa hàng có thể làm cho không khí thêm thoải mái với khách hàng. Ông Andrian England thuộc PEL Services, công ty cung cấp âm nhạc cho một loạt tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ ở Anh, cho rằng sự im lặng khiến một số người cảm thấy không thoải mái. Trả lời hãng tin AFP, ông England nói: “Nếu không có nhạc, bạn sẽ nghe thấy tiếng cãi cọ, tiếng trẻ con ầm ĩ. Có đủ loại âm thanh mà bạn không phải nghe nhờ có âm nhạc”.
Theo ông England, các cửa hàng thích bật phối hợp hai hay ba loại nhạc để hấp dẫn khách hàng, thay đổi loại nhạc trong cả ngày. Ví dụ như buổi sáng thì bật nhạc thư giãn, buổi tối thì bật nhạc sôi động. Dấu hiệu lớn nhất chứng tỏ việc bật nhạc là thành công là khi người mua sắm thậm chí không nhận ra có âm nhạc. Ông England nói: “Nếu bạn khéo léo, khách hàng sẽ không chú ý. Họ không khen và cũng chẳng phàn nàn”.
Giáo sư Adrian North thuộc Đại học Curtin ở Australia đang nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc với hành vi người tiêu dùng và cho rằng chỉ một số ít doanh nghiệp đang sử dụng nhạc một cách đúng mực và có thể biến nhạc thành công cụ giao tiếp với khách hàng. Nghiên cứu của giáo sư Adrian chỉ ra rằng bật đúng loại nhạc phù hợp với môi trường thương mại có thể giúp tăng doanh số tới 20%. Trái lại, bật loại nhạc không phù hợp thường sẽ gây tác hại tồi tệ hơn là không bật tí nhạc nào.
Trở lại với phố Oxford nhộn nhịp du khách tới thăm London trong kỳ nghỉ hè, người mua sắm cũng chia rẽ về quan điểm với âm nhạc xập xình trong các cửa hàng. Martin Persson, du khách Thụy Điển 34 tuổi, đứng bên ngoài cửa hàng bán giày ầm ầm tiếng nhạc cho biết thường tránh những cửa hàng quá ồn ào. Trái lại, du khách Zyad al-Shoeeb 22 tuổi từ Saudi Arabia cho biết anh thích thứ nhạc “bốc” mà mình đang nghe khi chọn đôi giày hàng hiệu mới nhất.