Canada tham gia tích cực cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Canada đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu với việc nhiệt độ trung bình trong năm cao hơn, mùa đông ngắn và tuyết rơi bất thường hơn.

Thời tiết bất thường khi Giáng sinh đến mà Ottawa chưa có tuyết rơi, nhiệt độ vẫn gần 10 độ C.

Nhân Ngày Trái đất 22/4, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng với 129 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia, sẽ có hành động lịch sử là ký thoả thuận toàn cầu về vấn đề khí hậu đạt được tại Paris hồi tháng 12/2015 nhằm mở đường cho việc làm chậm lại sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Canada đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu với việc nhiệt độ trung bình trong năm cao hơn, mùa đông ngắn và tuyết rơi bất thường hơn. Trong những năm gần đây, tình trạng phát thải khi CO2 gây hiệu ứng nhà kính ở Canada không ngừng tăng lên. Những con số mới nhất cho thấy lượng khí thải carbon của Canada tăng đều đặn từ năm 2009 đến năm 2014.

Theo số liệu chính thức, năm 2013, tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Canada là 726 triệu tấn, cao hơn 18% lượng carbon phát thải năm 1990. Còn năm 2014, con số này là 732 triệu tấn, cao hơn 20% so với lượng khí thải ghi nhận vào năm 1990. Khí thải tăng là do hoạt động của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và giao thông, trong đó lĩnh vực sản xuất dầu cát, tập trung ở tỉnh Alberta, là “thủ phạm” hàng đầu. Ngoài lĩnh vực dầu cát, các nhà máy thép ở tỉnh Ontario cũng “đóng góp” một lượng lớn khí thải.

Chính phủ đảng Tự Do sau khi lên nắm quyền đã tỏ rõ lập trường và thái độ kiên quyết trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề về môi trường. Thủ Tướng Trudeau từng cam kết với cả thế giới trong bài phát biểu của mình về khí hậu trước Liên Hợp Quốc rằng biến đổi khí hậu sẽ là một “ưu tiên hàng đầu” của Ottawa.

Lập Xuân vào cuối tháng 3 mà Ottawa vẫn còn những trận tuyết lớn.

Trong một tuyên bố tuần vừa rồi, Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho biết Canada quyết tâm trở thành một trong những nước đi đầu thế giới trong việc cắt giảm lượng phát thải carbon trong thập niên sắp tới. Trước đó, tại hội nghị các bộ trưởng nhóm họp hồi tháng trước, Thủ tướng Trudeau cùng với các thủ hiến tỉnh bang của Canada đã đạt được thoả thuận quan trọng về chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng nền kinh tế xanh - sạch của nước này. Theo đó các nhà lãnh đạo Canada đã nhất trí tăng cường hành động để hiện thực hoá cam kết quốc tế của Canada nhằm cắt giảm mức phát thải khí nhà kính xuống 30% vào năm 2030 so với mức năm 2005.

Cũng tại hội nghị này, tuy Thủ tướng Trudeau và người đứng đầu các tỉnh bang chưa đạt được sự đồng thuận về việc thiết lập một mức thuế tối thiểu đánh vào lượng cacbon của nhiên liệu (thuế cacbon) sẽ được áp dụng trên toàn quốc, nhưng thay vào đó, Chính phủ liên bang nhất trí cho phép các tỉnh bang lựa chọn biện pháp và mức thuế, để “cơ chế đánh thuế cacbon phù hợp với từng tỉnh bang”, đồng thời nhất trí sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại cuộc họp liên bang sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

Về hướng đi cho ngành năng lượng, Bộ trưởng Môi trường và Chống biến đổi khí hậu Catherine McKenna khẳng định năng lượng mới tiếp tục là cơ hội lớn cho Canada. Chính phủ liên bang cam kết làm việc với các tỉnh để mở rộng hơn việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo cũng như để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ làm việc chặt chẽ với các tỉnh để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đặt ra mức giá trần carbon, giảm khí thải và đầu tư vào công nghệ sạch.

Hiện nhiều tỉnh bang của Canada đang nỗ lực giảm phát thải khí CO2 bằng chiến lược điện khí giao thông. Điển hình là tỉnh bang Quebec. Với mong muốn cắt giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và hạ thấp tỷ lệ người chết vì mắc ung thư phổi do không khí bị ô nhiễm nặng, đồng thời cho rằng ô tô điện sẽ là một phương tiện vận tải bền vững, có thể cứu thế giới khỏi các thảm họa biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Québec có tham vọng phát triển 100.000 chiếc ô tô chạy điện trong vòng 5 năm tới.


Hệ thống cây nạp điện cho ô tô điện được lắp đặt ở thành phố Toronto.

Nhằm thuyết phục người dân chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện, đầu tuần này, Quebec đã chi gần 100.000 đôla Canada (CAD) để tổ chức triển lãm ô tô chạy bằng điện lớn nhất tỉnh bang mang tên “Branchez-Vous” với 431 xe ô tô điện các loại. Chính quyền tỉnh bang cũng xem xét hỗ trợ bằng cách giảm giá đáng kể cho người mua hoặc thuê xe ô tô điện lên đến 8.000 CAD cho một chiếc xe và 1.000 CAD cho việc xây dựng một trạm nạp điện.

Quebec cũng đã phân bổ 516 triệu CAD cho chiến lược điện khí hóa giao thông giai đoạn 2013-2017, trong đó, hơn 3.000 trạm nạp điện sẽ đầu tư lắp mới. Trước đó, hồi cuối năm 2015, tỉnh bang Quebec và thành phố Montréal đã thông báo kế hoạch lắp đặt 106 trạm nạp điện trong thành phố Montréal vào mùa xuân này. Hầu hết các trạm nằm ở trung tâm thành phố, được đặt bên lề đường gần các ô đậu xe.

Có thể nói, đứng trước những thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, Canada không thể đứng ngoài cuộc chiến, mà đã quan tâm nghiêm túc đến những thách thức và tham gia tích cực trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu sau một thập kỷ bị cho là tụt hậu trong lĩnh vực này.

Trường Giang (P/v TTXVN tại Canada)
Canada báo động nạn tự tử trong thanh niên thổ dân
Canada báo động nạn tự tử trong thanh niên thổ dân

Ngày 12/4, Canada đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại cộng đồng thổ dân Attawapiskat sau khi chính quyền địa phương phát hiện 13 thanh niên tìm cách tự tử chỉ trong một đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN