Andrei, một cựu tù nhân 58 tuổi người Nga, đã từng tìm cách bỏ rượu tới 22 lần, với đủ biện pháp, mỗi lần kéo dài từ một đến sáu tháng, nhưng lần nào ông cũng quay trở lại với chai vodka.
Một buổi sinh hoạt của một nhóm AA. Ảnh: Internet |
Rồi 14 năm trước, ông đã thử biện pháp cai rượu của Alcoholics Anonymous (Người nghiện Ẩn danh, viết tắt là AA), một tổ chức quốc tế giúp cai nghiện rượu. AA có một cách tiếp cận hoàn toàn khác, không dựa trên những yêu cầu của bác sĩ mà chú trọng tới trách nhiệm cá nhân của chính người nghiện. Sau khi vượt qua chương trình 12 bước của AA trong 5 lần, Andrei cho biết, ông tự tin mình đã đoạn tuyệt được với “ma men”.
Alcoholics Anonymous là một phong trào trợ giúp quốc tế về cai nghiện rượu được sáng lập tại bang Ohio, Mỹ, vào năm 1935. Năm 1946, hai nhà sáng lập Bill Wilson và Bob Smith đã giới thiệu chương trình 12 bước cai rượu và thu được nhiều thành công. Một trong những nguyên tắc chủ yếu của AA là tình trạng ẩn danh, như được nhắc tới trong tên gọi của nó. Trong AA, không có những nhân vật quan trọng, tất cả đều bình đẳng vì mọi người đều đã từng là nô lệ của việc chè chén say sưa và giờ đây đang cùng làm việc để sống tự do, thoát khỏi cảnh nghiện ngập.
Phương pháp cai rượu của AA du nhập vào Liên Xô cũ từ cuối những năm 1980 trong thời kỳ Cải tổ, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành xu thế chủ đạo tại một đất nước nơi nạn lạm dụng rượu và các ảnh hưởng xã hội của nó bị coi là mối họa quốc gia. Sau hơn 20 năm, Nga mới chỉ có 400 nhóm AA, với 10.000 thành viên, một con số quá nhỏ bé nếu so với dân số 143 triệu và tỉ lệ gần 50% đàn ông thường xuyên lạm dụng rượu.
Alexander Nemtsov, một chuyên gia về rượu thuộc Viện nghiên cứu tâm thần học ở Mátxcơva, cho biết, “các nhóm AA không gặt hái nhiều thành công ở Nga, nơi 2,5 triệu người đã bị xếp vào danh sách nghiện rượu”. Một nguyên nhân là “tâm tính người Nga vốn không hợp với chương trình kiểu Mỹ này, khi nó dựa vào cách xử sự cực kỳ hướng ngoại trong nhóm. Bên cạnh đó, người nghiện phải vượt qua các yêu cầu mang tính chu kỳ của AA bằng chính trách nhiệm bản thân, trong khi người Nga thường thích vai trò thụ động trong việc điều trị hơn”.
Người nghiện rượu ở Nga thường chọn những cách cai như thôi miên, do các bác sĩ tiến hành, giúp họ phát triển ác cảm với rượu và mất đi thôi thúc muốn uống. Một cách điều trị khác là cấy dưới da những viên con nhộng chứa một chất sẽ sản sinh ra những tác động vật lý khó chịu nếu như bệnh nhân uống rượu.
Ông Andrei cho biết, các phương pháp kiểu Nga thường dựa trên việc khiến người cai cảm thấy mình có tội và phải ăn năn, hối hận. “Điều này khiến tôi không thể cai được”, người đàn ông từng bóc lịch 9 năm vì tội ăn cướp tâm sự. Andrei cho biết, AA thu hút ông bởi chương trình này coi nghiện rượu là một loại bệnh, chứ không phải tội lỗi.
Nhưng cũng không phải là dễ dàng. “Khi bắt đầu, tôi thấy thật kinh khủng khi phải kể câu chuyện cuộc đời mình trước 20 người nghiện khác”, Andrei kể lại. “Tại các buổi gặp gỡ, tôi phải mua trà và bánh quy cho mọi người, rồi cùng dọn phòng. Tất cả khiến chúng tôi nghĩ mình là các subbotnik (người lao động tình nguyện dưới thời Liên Xô)”.
Hiện tại, Andrei không còn cảm thấy tội lỗi và rất thoải mái trong nhóm của mình. Họ gặp nhau từ 2 đến 3 lần/tuần tại một tầng hầm ở trung tâm Mátxcơva. Nhưng bầu không khí gắn kết ở những nhóm như vậy lại bị một số cơ sở y tế của Nga cho là “đáng ngờ”. “Với tính thực dụng, duy lý và cá nhân chủ nghĩa của người Nga, AA đã rất khó khăn để bám rễ tại đây”, ông Andrei Igonin, một quan chức Trung tâm Serbsky, bệnh viện tâm thần nổi tiếng nhất ở Nga, cho biết.
Thu Hằng