Nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng quá tải du khách, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và hệ sinh thái. Để giải quyết vấn đề này, các thành phố đang áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo, từ việc hạn chế số lượng du khách đến cấm đi dép xỏ ngón, thậm chí xóa các tuyến xe buýt khỏi Google Maps.
Cũng giống như Venice áp dụng thuế 5 euro cho du khách tham quan trong ngày và hạn chế số lượng du khách đến một số điểm tham quan nhất định, các thành phố khác cũng đang đối mặt với lượng lớn khách du lịch trong kỳ nghỉ và đã quyết định áp dụng các biện pháp, đôi khi nghiêm ngặt, đôi khi kỳ lạ.
Mùa Hè đang đến với những ngày nắng đẹp, các điểm đến du lịch được yêu thích trên khắp thế giới đón nhận du khách từ bốn phương. Mặc dù sự đông đúc này thường mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, nhưng nó cũng có thể gây ra các vấn đề về bảo tồn di sản và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân. Điều này khiến người dân địa phương căng thẳng, như thường xảy ra ở các thành phố như Barcelona hoặc gần đây là các cuộc biểu tình tại quần đảo Canary.
Để quản lý lượng du khách, chính quyền ở nhiều khu vực đã triển khai các biện pháp đôi khi nghiêm khắc. Điều này đặc biệt đúng với Venice, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng quá tải du lịch. Với 30 triệu lượt du khách mỗi năm, thành phố hạn chế du khách bằng việc áp dụng một khoản thuế 5 euro cho mỗi du khách chỉ đến thăm thành phố trong ngày. Ông Luigi Brugnaro, Thị trưởng thành phố cho biết: "Đây là cách để chúng tôi nhận thức được rằng cần phải thay đổi và trải đều lượng khách tham quan trong suốt cả năm". Mục tiêu chính của biện pháp này là ngăn chặn du lịch ngắn hạn và giảm áp lực lên thành phố vốn chỉ có 50.000 cư dân.
Giới hạn số lượng du khách
Kể từ ngày 1/4, Athens (Hy Lạp) đã áp dụng hệ thống đặt chỗ để giới hạn số lượng du khách hàng ngày đến Acropolis ở mức 20.000 người. Bằng cách áp đặt các khung giờ cố định, chính quyền muốn chia đều lượt khách trong suốt cả ngày, giảm tình trạng tắc nghẽn và cải thiện việc bảo tồn di tích.
Tây Ban Nha, điểm đến du lịch lớn thứ hai thế giới sau Pháp, cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm soát du lịch. Saint-Sébastien giới hạn số lượng du khách trong các tour tham quan thành phố là 25 người và cấm sử dụng loa phóng thanh trong các tour hướng dẫn để duy trì môi trường yên tĩnh. Seville cũng đã giới hạn quy mô các nhóm du lịch và đang xem xét thu phí vào cửa một số địa điểm nổi tiếng như quảng trường Plaza de España đối với khách vãng lai.
Đối mặt với lượng khách du lịch lớn trong nhiều năm qua, Barcelona đã áp dụng biện pháp tương tự như Saint-Sébastien cho một số địa điểm quan trọng (như chợ Boqueria, hiện giới hạn 20 người cùng lúc). Nhưng chưa dừng lại ở đó, thành phố thậm chí còn đi xa hơn bằng cách xóa tuyến xe buýt 116 khỏi Google Maps. Tuyến xe này đặc biệt được du khách ưa chuộng vì giúp họ dễ dàng di chuyển đến Công viên Güell nổi tiếng. Các biện pháp này nhằm mục đích giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường, cải thiện trải nghiệm du lịch cho du khách và người dân địa phương.
Cũng tại các vùng thuộc Tây Ban Nha, đảo Maloca đã giới hạn số lượng tàu du lịch có thể cập cảng, chỉ cho phép ba tàu, trong đó có một tàu du lịch lớn.
Ngoài các thành phố, nhiều Vườn quốc gia cũng đang áp dụng các biện pháp hạn chế du khách để bảo vệ môi trường và đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Vườn quốc gia Calanques ở thành phố Marseille, Pháp áp dụng hệ thống đặt chỗ để du khách tham quan một số vịnh đẹp nhất, giới hạn tối đa 400 người mỗi ngày vào mùa Hè, nhằm bảo vệ môi trường khỏi tình trạng xói mòn và quá tải du khách.Trước năm 2022, khi hệ thống này chưa được áp dụng, Vườn quốc gia Calanques có thể đón tới 2.500 du khách cùng lúc.
Một số hòn đảo ở Pháp cũng áp dụng nguyên tắc tương tự. Điển hình là đảo Porquerolles ở Var, với giới hạn tối đa 6.000 du khách trong mùa hè. Còn đảo Lavezzi ở Corsica chỉ đón nhận 2.000 du khách.
Ảnh hưởng của phim ảnh
Tác động của sự nổi tiếng từ phim ảnh và truyền hình lên du lịch có thể vừa có lợi vừa gây hại. Những địa điểm từng yên bình trở thành các điểm đến được yêu thích, thu hút đám đông có thể đe dọa đến việc bảo tồn những nơi này. Một ví dụ là Dubrovnik, được gọi là “viên ngọc của Adriatic”, nổi tiếng với các pháo đài trung cổ và những con hẻm đẹp như tranh.
Tuy nhiên, thành phố ở Croatia này và cổng Pile đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về lượng du khách sau khi xuất hiện trong loạt phim “Game of Thrones” (Trò Chơi Vương Quyền). Để đối phó với làn sóng khách du lịch, thường là người hâm mộ loạt phim, thành phố đã áp dụng hệ thống hạn chế số lượng người đến bằng đường biển vào năm 2019. Chỉ có hai tàu du lịch được phép cập bến mỗi ngày, giới hạn mỗi tàu 4.000 hành khách.
Ở châu Á, Vịnh Maya, Thái Lan, nổi tiếng với bộ phim "The Beach" do Leonardo DiCaprio thủ vai chính, cũng đã phải áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó với sự suy thoái môi trường do du lịch đại chúng gây ra. Trước đây, vịnh Maya đón tới 6.000 du khách mỗi ngày gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô. Từ tháng 6/2018 đến tháng 1/2022, vịnh Maya được đóng cửa hoàn toàn để phục hồi hệ sinh thái. Sau khi mở cửa trở lại, việc tham quan vịnh Maya được quản lý chặt chẽ với số lượng du khách giới hạn nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên độc đáo của vịnh Maya và đảm bảo du lịch bền vững.
Những biện pháp độc đáo
Cinque Terre, những ngôi làng Italy xinh đẹp nằm trên vách đá cheo leo bên bờ Địa Trung Hải, là điểm đến lý tưởng cho du khách. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà đầy màu sắc xếp tầng dọc theo sườn đồi, tạo nên khung cảnh ngoạn mục. Tuy nhiên, sức hút của Cinque Terre cũng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, biến cuộc sống bình yên của 4.000 cư dân nơi đây đôi khi trở thành "ác mộng du lịch".
Để giải quyết vấn đề quá tải du lịch, đặc biệt là các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra trên những con đường mòn dốc, chính quyền Cinque Terre đã áp dụng một biện pháp độc đáo nhưng cũng rất hợp lý vào năm 2019: cấm đi dép xỏ ngón hoặc dép có đế trơn. Quy định này nhằm mục đích ngăn chặn những tai nạn trượt ngã nguy hiểm và vi phạm sẽ bị phạt từ 50 đến 2.500 euro.
Tương tự như Cinque Terre, thị trấn ven biển Portofino xinh đẹp với 400 cư dân và nổi tiếng với bến cảng và làn nước xanh biếc cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát lượng du khách. Thị trưởng đã thiết lập các khu vực cấm đỗ xe "vùng đỏ": du khách không được phép dừng xe trong các khu vực này từ 10 giờ sáng đến 18 giờ, từ Thứ Bảy Tuần Thánh (Lễ Phục sinh) đến ngày 15/10. Mục đích là giảm ùn tắc giao thông trong những con đường hẹp của thị trấn, đảm bảo lưu thông xe cộ và tạo điều kiện cho du khách di chuyển dễ dàng hơn. Những du khách không tuân thủ quy định này có thể bị phạt lên tới 275 euro.
Tại châu Á, thành phố Kyoto của Nhật Bản cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự do du lịch quá tải gây ra. Để bảo vệ sự yên bình của khu phố Geisha nổi tiếng, vốn thường xuyên bị du khách thiếu ý thức xâm phạm, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm du khách ra vào các ngõ hẻm riêng.
Việc áp dụng biện pháp hạn chế du lịch tại các thành phố du lịch nổi tiếng là một nỗ lực nhằm cân bằng giữa việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Biện pháp này có thể gây ra một số bất tiện cho du khách, nhưng nó cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân địa phương và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.