Bi kịch của những chú ngựa ở Tây Ban Nha

Trong những năm bùng nổ kinh tế, một trong những biểu tượng cho địa vị xã hội của các gia đình giàu có ở Tây Ban Nha là cưỡi ngựa vào dịp cuối tuần. Nay thì những con ngựa hào hoa và thân thiết với con người đó đang bị bỏ rơi đáng thương trong cơn bão khủng hoảng kinh tế và hàng chục ngàn chú mã cảnh phải lê móng tới các lò giết mổ.


 

Virginia Solera, một trong các tình nguyện viên chăm sóc những chú ngựa bị bỏ rơi.

 

Ở phía cuối con đường quê khấp khểnh tại Andalucia, vùng trung tâm nuôi ngựa và trang trại của Tây Ban Nha, chị Virginia Solera đang giúp dựng một mái trú cho những con ngựa cảnh vô dụng.


“Trước đây, chúng tôi thường chỉ cứu giúp một vài trường hợp cá biệt, những chú ngựa nào đó bị ngược đãi hoặc bỏ rơi. Nay thì tình trạng này xảy ra ở mọi nơi, từ những chú ngựa của các chủ ngựa tư nhân cho tới của giới nuôi ngựa chuyên nghiệp”, Virginia cho biết.


“Ở Tây Ban Nha, sở hữu ngựa là một biểu hiện của sự giàu có. Vài năm trước, nhiều người từng nghĩ: Mình sẽ mua một chiếc xe xịn, một ngôi nhà lớn, và sao không tậu một con ngựa nhỉ?” chị Virginia vừa nói vừa chỉ tay về phía một trong 55 thành viên của mái trú, đó là Alegria, một con ngựa hồng được phát hiện đã gần chết đói vài tháng trước.


Những năm bùng nổ kinh tế đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Andalucia. Nhiều người dân nơi đây từ bỏ đồng ruộng để tham gia ngành công nghiệp xây dựng đang hưng thịnh, để rồi trở về trắng tay khi bong bóng bất động sản nổ tung năm 2008.


Trong khi người dân phải vật lộn để sống, thì những con ngựa bỗng trở thành… “của nợ”, chúng bị bỏ chết đói hoặc bị tống đến các lò mổ để lấy thịt. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, số ngựa bị giết thịt tại các lò mổ đã tăng gấp hai lần kể từ năm 2008, và riêng trong năm 2012 có 60.000 con bị thịt.


Một số con ngựa may mắn, như Alegria (cái tên có nghĩa là “niềm vui”), thì tới được mái trú sau khi đã “cày” răng qua các vùng đất cằn để tìm kiếm thức ăn. Một con ngựa khác ở mái trú của Virginia là Estrella (Ngôi Sao), bị què chân bởi vết thương trên móng trước do bị chủ trói bằng thừng và kéo đi trước khi bị bỏ rơi. Theo lời kể của Virginia, nhiều chủ ngựa khác còn cột ngựa ở những vùng dễ ngập nước để chúng chết đuối, hoặc buộc mõm để chúng chết đói.


Cách mái trú không xa là trại ngựa của thương lái Manuel Gonzalez Melendi, 68 tuổi. Chỉ tay về phía một chú ngựa non mới 8 ngày tuổi đang chập chững trên bãi cỏ, ông Melendi cho biết, trước đây, bãi của ông thường xuyên nuôi 50, 60, thậm chí 100 ngựa con, để bán. Nhưng nay thì tình hình đã đảo ngược. Không ai có nhu cầu mua ngựa, thức ăn thì đắt đỏ, khiến ông Melendi phải ngừng kinh doanh. “Tôi bán một số con ngựa với giá rẻ, còn lại thì đưa tới lò mổ”, ông Melendi kể.


Ông Melendi nói rằng, chăm sóc một con ngựa có thể tốn kém 400 euro/tháng và hiện nay, nhiều chủ trại đang phải cắt giảm thiệt hại bằng cách đưa ngựa tới lò mổ để đổi lấy khoảng 150 euro/con.


Thịt ngựa, vốn đã trở nên nổi tiếng sau vụ bê bối “thịt ngựa giả thịt bò” vừa qua ở châu Âu, không phải là thức ăn phổ biến ở Tây Ban Nha. Vì vậy, có tới 90% thịt ngựa được xuất khẩu, chủ yếu tới Pháp và Italia.


“Vì khủng hoảng, mọi người đang tìm cách thoát khỏi những gì họ không cần nữa, ngay cả những thứ mà họ từng chịu trách nhiệm. Họ không thể vứt bỏ nhà cửa, xe hơi, nhưng có thể vứt bỏ những con ngựa”, Virginia Solera xót xa.

 

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN