TP Hồ Chí Minh xử lý mạnh tay với hàng giả, hàng gian

Mặt hàng nào được tiêu thụ mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm thì ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Đây là bài toán nan giải để các cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng gian hiện nay.

Mặt hàng nào cũng bị làm giả


Vừa qua, 5 đội quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất tại chợ Bến Thành (quận 1). Tại đây lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý nhiều mặt hàng như: đồng hồ, mắt kính, bút viết,… kém chất lượng, nhái thương hiệu được bày bán tràn lan tại chợ này. Lực lượng kiểm tra cũng đã thu giữ hàng nghìn chiếc đồng hồ, mắt kính, túi xách…giả các nhãn hiệu như: Rolex, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Longines, Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton,...

Mặt hàng mũ bảo hiểm được làm giả nhiều nhất khi cơ quan chức năng phát hiện hàng giả, hàng gian tại TP Hồ Chí Minh.

Giải thích về các mặt hàng đồng hồ, mắt kính, túi xách… có xuất xứ không rõ nguồn gốc đang được bày bán, không ít tiểu thương khẳng định, hầu hết sản phẩm nhái thương hiệu này được mua từ các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh với giá rất mềm. Cụ thể, giá sỉ chỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm, giá bán lẻ dao động từ 100.000 – 1,5 triệu đồng/sản phẩm.


Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, toàn bộ số hàng giả trên đã bị tịch thu, tiêu hủy và các chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo mức quy định. Cửa hàng nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh để có tính răn đe. “Các mặt hàng kinh doanh tại chợ truyền thống, siêu thị… khi bán phải có hóa đơn chứng từ, chính hãng, chất lượng rõ ràng và tuyệt đối không được kinh doanh hàng nhái, giả. 


Hiện nay, tại thị trường đang có hai loại hàng giả như giả về hình thức (giả kiểu dáng, nhãn hiệu), đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp và hàng giả công dụng (thành phần, chất lượng), đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người tiêu dùng. Bất kể mặt hàng nào đang được tiêu thụ mạnh, được người tiêu dung tín nhiệm thì đều có thể xuất hiện hàng giả, hàng nhái”, ông Bách cho biết thêm.


Nhắc đến đến hàng giả, hàng kém chất lượng tại thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu dùng tiềm năng để tiêu thụ hàng hóa. Do đó, nhiều sản phẩm nước ngoài lên kế hoạch xâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, khi vào đây doanh nghiệp nước ngoài gặp phải không ít khó khăn vì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Các sản phẩm nước ngoài bị làm giả như: bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang,…


Ông Jeong Jong Yeon, đại diện của Orion Group cho biết, công ty này có tuổi thọ 62 năm trên thị trường nhưng tại thị trường Việt Nam, sản phẩm Choco – Pie bị làm giả rất nhiều như: thiết kế bao bì giống y chang nhưng tên gọi khác, ví dụ như: bánh Choco – Pie thành Choco Pai, hộp bánh 12 cái nhưng làm còn 8 cái. Thậm chí, có doanh nghiệp còn làm giả kiểu dáng Choco – Pie Hàn Quốc rồi cho xuất khẩu sang các nước Trung Đông, châu Á,… và kiện ngược lại Orion Group. Để ngăn chặn tình trạng hàng nhái nêu trên phía công ty Hàn Quốc đã phải thực hiện lấy ý kiến người tiêu dùng chứng minh với cơ quan chức năng và chất lượng hàng hóa của mình.


Xử phạt nặng để răn đe


Ông Kwanyoung Kim, Cục Quản lý thị trường Hàn Quốc cho rằng, rất nhiều người mua hàng nhái qua kênh bán lẻ hiện đại, truyền thống và cả kênh thương mại điện tử. Rất lạ là khi hỏi biết hàng giả không thì họ khẳng định có biết. Có lẽ vì chuộng hàng ngoại, hàng chất lượng những lại tiếp tay cho hàng giả nên tình trạng này phát tán trên diện rộng. 


“Tại Việt Nam, hàng giả bày bán tràn lan mặc dù có đến 6 cơ quan quản lý liên quan, vậy vai trò của các đơn vị này như thế nào? Việt Nam cần nâng cao thực thi quyền sở hữu trí tuệ hơn nữa, tăng cường giám sát thực phẩm, dược phẩm”, ông Kwanyoung Kim cho biết thêm.

Các doanh nghiệp tìm cách phân biệt hàng giả cho người tiêu dùng khi mua hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay hệ thống cơ sở pháp lý về Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự; Luật Cạnh tranh…Tuy nhiên, các chế tài xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ quy định ở các văn bản dưới Luật, ở cấp Nghị định… Vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp phát hiện sản phẩm bị vi phạm sở hữu trí tuệ lại không biết gửi đến cơ quan nào vì cách quản lý chồng chéo, điều này gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người thực thi.


Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vấn nạn hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, các cơ quan đơn vị cần tăng cường kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.


“Sắp tới, đơn vị sẽ kiến nghị cần phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị để tránh tình trạng chồng chéo và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả ở các lĩnh vực. Đặc biệt, đơn vị sẽ kiến nghị nâng mức xử lý vi phạm thật nặng để đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả hiện nay”, ông Hùng cho biết thêm.


Theo ông Hùng, khi vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính có thể yên tâm vì cơ quan quản lý không những luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nước ngoài mà còn nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp trốn thuế,…liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi theo quyết định 334 của Bộ Công thương về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến hết năm 2020 khẳng định rõ, Chính phủ Việt Nam luôn xác định chống hàng giả, hàng sở hữu trí tuệ là quan trọng bởi những mặt hàng này làm thiệt hại ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.


Ngoài ra, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là tập trung nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bởi khi nào người tiêu dùng còn chấp nhận hoặc chủ động sử dụng hàng giả thì chừng đó còn có phát hiện các vi phạm về hàng giả giả, hàng nhái.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
 Phát hiện, thu giữ nhiều hàng giả, hàng nhập lậu ở Lạng Sơn
Phát hiện, thu giữ nhiều hàng giả, hàng nhập lậu ở Lạng Sơn

Ngày 21/6, theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng Công an tỉnh liên tiếp kiểm tra và thu giữ nhiều hàng giả, hàng nhập lậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN