Những địa điểm bán lén lút thuốc lá lậu thưòng không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện và không thường xuyên tập kết ở một điểm cố định với số lượng nhiều.
Tang vật một vụ buôn bán thuốc lá lậu. |
Đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Những nơi tập kết, tàng trữ thuốc lá nhập lậu thường là khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có sự cảnh giới cao độ của nhiều đối tượng. Phương thức giao dịch chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu khi bị phát hiện, thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không lớn.
“Thời gian trở lại đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu vẫn âm ỉ diễn ra. Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong ca bin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuống máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, vận chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường hoạt động; manh động và liều lĩnh hơn. Đối tượng vận chuyển thuốc lá sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ; hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ”, đại diện lực luợng quản lý thị trường nói.
Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình các tỉnh biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hàng trăm cây số, địa hình bằng phẳng có hệ thống kênh rạch chằng chịt, với nhiều đường mòn, lối mở nên công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý biên giới của các lực lượng chức năng gặp muôn vàn khó khăn.
Để công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho hay: Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 30, nhất là các địa bàn trọng điểm cần tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa bàn để đấu tranh, đẩy lùi hoat động buôn lậu thuốc lá; kiên quyết xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu qua biên giới, các tụ điểm, kho tàng, bến bãi tập kết, cất giấu, buôn bán trong nội địa. Trong đó, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhập lậu và thất thu ngân sách Nhà nước; phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm buôn lậu, các hành vi kinh doanh trái pháp luật… Các lực lượng cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, đồng thời xác định rõ trách nhiệm phụ trách địa bàn, khu vực...
Theo khuyến nghị của báo cáo “Chỉ số Thuế lần thứ hai của SEATCA: Triển khai Mục 6 của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Kiểm soát Thuốc lá tại các nước ASEAN” vừa được Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) đưa ra, Chính phủ các nước ASEAN cần hành động nhiều hơn để chính sách thuế thuốc lá trở nên hiệu quả..
Kết quả ngiên cứu cho hay: Thuốc lá đang trở nên ngày càng dễ mua tại các nước ASEAN; Tại khu vực ASEAN, Thái Lan hiện đang có mức thuế bán lẻ cao nhất (70%), tiếp theo là Singapore (66.2%) và Brunei (62%). Trái lại, các nước với mức thuế thấp bao gồm Campuchia (25-31.1%) và Lào (16-19.7%). Chỉ có 4 nước (Brunei, Phillipines, Malaysia, Singapore) trong 10 nước trong khu vực ASEAN đánh thuế tất cả các mặt hàng thuốc lá; Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã có quy định trích phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cho mục tiêu nâng cao sức khoẻ và nâng cao bảo hiểm y tế toàn dân.
Dựa vào các hướng dẫn quốc tế, bản báo cáo kêu gọi Chính phủ các nước: Triển khai các chính sách thuế thuốc lá dài hạn bao gồm các mục tiêu y tế công cộng; áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt đơn nhất hoặc hệ thống thuế hỗn hợp bao gồm quy định mức sàn thuế thấp nhất đối với thuốc lá; đánh thuế tất cả các mặt hàng thuốc lá; yêu cầu giấy phép cho tất cả các giai đoạn của việc sản xuất và buôn bán thuốc lá; yêu cầu tất cả các công ty thuốc lá nộp bản báo cáo tài chính định kỳ; thiết lập hệ thống theo dõi bao gồm đóng dấu với danh định duy nhất để làm giảm rủi ro và hỗ trợ trong việc điều tra buôn bán thuốc lá lậu; cấm thuốc lá miễn thuế; triển khai bộ quy tắc ứng xử đối với các bộ, ngành và cán bộ nhà nước nhằm nghiêm cấm những tương tác không cần thiết giữa chính phủ và ngành công nghiệp thuốc lá.