Việc ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lượng QLTT phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết, lực lượng QLTT được hình thành từ năm 1957, từ đó đến nay, lực lượng QLTT đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chưa có trường Đại học nào ở Việt Nam đào tạo chính quy chuyên ngành QLTT. Trước đây, hầu hết công chức QLTT đều được đào tạo ở những ngành khác nhau và làm việc theo kinh nghiệm. Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng công tác đào tạo bồi dưỡng hầu như phụ thuộc vào việc gửi tới các trường đào tạo khác, chưa thực sự chuyên sâu vào lĩnh vực QLTT.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, do chưa có trường đào tạo chính quy chuyên ngành QLTT nên các cán bộ QLTT đều phải tự học trong quá trình làm, tuy nhiên trong thực tế cũng nảy sinh nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay với quá trình hội nhập sâu rộng, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa đặt ra đòi hỏi cao hơn cả về kiến thức cũng như trình độ của lực lượng QLTT như kiến thức về luật, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, xử lý tranh chấp...
“Bộ Công Thương xác định đào tạo đại học về QLTT là định hướng chiến lược, quan trọng của lực lượng QLTT giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030; là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy - chuyên nghiệp – hiện đại”. Chính vì vậy, việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về việc đào tạo đại học cho lực lượng QLTT sẽ là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó”, ông Lý Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết dự kiến mỗi khóa đào tạo chuyên ngành QLTT sắp tới sẽ tuyển sinh khoảng 50-110 sinh viên.