Ngày 21/5, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020; tổng kết các kế hoạch liên ngành và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Theo đó, sắp tới, tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nghiên cứu, lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến biên giới, góp phần ngăn ngừa, phòng chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới của tỉnh.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ, hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở An Giang trong thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tỉnh có đường biên giới dài gần 100 km, nhiều đường mòn, lối mở, hàng lậu dễ thẩm lậu vào trong nước. Các đường dây buôn lậu được tổ chức tinh vi, điều hành chặt chẽ, hình thành từ biên giới đến khâu tàng trữ, tiêu thụ trong nội địa.
Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng buôn lậu tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể đẻ canh coi, giám sát các cơ quan chức năng, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại để thông tin cho nhau; đồng thời những đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện, có trường hợp thành lập doanh nghiệp, tạo “vỏ bọc” doanh nhân để đối phó sự truy bắt của lực lượng chức năng, thậm chí chống trả quyết liệt,…
Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm thực hiện chia nhỏ hàng hóa, tìm cách đai vác, vận chuyển hàng hóa từ bên kia biên giới về tập kết tại các kho, bãi trong nội địa, rồi tổ chức vận chuyển đi tiêu thụ.
Mặt khác, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo và hiện chưa có công cụ phương tiện tiên tiến phục vụ việc kiểm tra của cơ quan chức năng…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng trong thời gian qua, thực hiện tốt nhiệm vị kép vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, các loại tội phạm vừa phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, đã góp phần đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tình hình buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từng bước được kiềm chế, kiểm soát, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn triển khai một cách đơn lẻ theo từng mặt hàng cụ thể, thiếu sự thống nhất và khó giải quyết triệt để vấn đề. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh giao Công an tỉnh An Giang phối hợp các lực lượng gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự, Hải Quan, Quản lý thị trường và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ xây dựng một kế hoạch phối hợp liên ngành để triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm liên quan đến gian lận thương mại, hàng giả, nhất là đối mặt hàng đường cát và thuốc lá điếu, từ đó truy tận gốc của hàng lậu. Trên cơ sở đó có các giải pháp để xử lý triệt để.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước những yêu cầu mới đặt ra, nhất là những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước cũng như tại Campuchia. Thời gian tới tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiến hành nghiên cứu, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến biên giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng quản lý bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép nhằm phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả; bên cạnh đó, cũng góp phần ngăn ngừa, phòng chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang.
“Dữ liệu từ hệ thống camera giám sát trên tuyến biên giới sẽ được truyền về các cơ quan thường trực gồm Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và chuyển trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh An Giang”, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư lưu ý, hệ thống camera giám sát chỉ hỗ trợ cho con người, do đó, ngoài các hoạt động nghiệp vụ cơ bản, lực lượng phòng chống buôn lậu cần tận dụng tối đa các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, từ hệ thống camera an ninh, camera giao thông. Đặc biệt, phải xây dựng được hệ thống “tai mắt” từ quần chúng nhân dân, nhất là các địa phương biên giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, các huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh phải xây dựng cho được hệ thống “tai mắt” nhân dân từ các lực lượng nòng cốt như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh,… từ đó làm phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm, mỗi người dân là một “tai mắt” trong đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả, kết hợp tố giác các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, phòng, chống dịch COVID-19.
Song song đó, Ban Chỉ đạo 389 các cấp cần chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, nơi nào để xảy tra tình trạng cán bộ tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại và hàng giả thì người đứng đầu sẽ bị trách nhiệm liên đới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong năm 2020, các ngành chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, xử lý 2.437 vụ vi phạm, tăng 38.7% so với năm 2019.
Đặc biệt, qua 6 tháng triển khai kế hoạch liên ngành trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang (từ 16/9/2020 - 31/3/2021), các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ 1.554 vụ, liên quan 685 đối tượng; hàng hóa gồm 51 kg vàng, 86.200 USD, gần 600.000 gói thuốc lá ngoại các loại; gần 320.000kg đường cát, gần 1.000.000 chiếc khẩu trang y tế; 300 lít xăng,… tổng trị giá khoảng 169,72 tỷ đồng.